Được học nghề, có việc làm ổn định để tạo dựng lại cuộc sống là nhu cầu chính đáng của những người nghiện ma túy sau cai và cũng là giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tái nghiện. Mặc dù đã có chính sách tạo điều kiện của Nhà nước, nhưng với tay nghề còn hạn chế, con đường tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện sau cai vẫn còn không ít khó khăn.
Học viên cai nghiện học nghề mộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Hơn chục năm trước, trong lúc đi làm ăn xa, bị bạn bè rủ rê nên anh Bùi Đăng Quang ở xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường) đã tò mò thử hút ma túy rồi trở thành nô lệ của “nàng tiên nâu”. Từ đó, tiền của trong nhà lần lượt “đội nón ra đi” để thỏa mãn cơn nghiện của anh.
Anh Quang được gia đình phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đưa đi cai nghiện tập trung. Sau một thời gian dài điều trị cắt cơn, lao động trị liệu với lòng quyết tâm cao, anh đã dứt khỏi ma túy.
Trở về nhà, một lần nữa anh được gia đình, bà con lối xóm, chính quyền địa phương động viên, tạo điều kiện mở cơ sở nhỏ sản xuất, gia công bìa đựng hồ sơ, kẹp tài liệu cho một doanh nghiệp tư nhân.
Có công việc ổn định, anh Quang không chỉ có thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động khác mà quan trọng là anh không còn thời gian để nghĩ đến ma túy nữa.
Câu chuyện của anh Quang là cái kết đẹp của một người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng thành công khi có việc làm ổn định. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn ấy.
Trên thực tế số người nghiện sau cai có việc làm ổn định rất thấp. Điển hình như trường hợp của anh V.H.L quê ở Lập Thạch đang điều trị cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy (Sở LĐ-TB&XH), dù đã hoàn thành cai nghiện và trở về địa phương, nhưng do không tìm được việc làm, nhàn rỗi khiến anh lại bị lôi kéo dẫn đến tái nghiện và phải quay trở lại cơ sở cai nghiện lần thứ 2.
Hiện, trung bình mỗi năm, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận, điều trị cai nghiện cho hơn 200 học viên, trong đó, phần lớn là người nghiện ma túy tổng hợp, nhiều người có tuổi đời khá trẻ.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh và Ngân hàng CSXH tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm, chính sách vay vốn cho người cai nghiện chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Cùng với điều trị cắt cơn, giải độc, theo dõi, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng nghiện, cơ sở còn duy trì nền nếp tập luyện TDTT, tổ chức lao động trị liệu và dạy nghề, cấp chứng chỉ cho học viên với một số nghề như mộc, hàn, may công nghiệp, cơ khí, điện dân dụng.
Cơ sở cùng liên kết với doanh nghiệp nhận gia công may túi siêu thị, may bao bì, cơ khí... giúp học viên vừa học, vừa sản xuất trực tiếp để có khoản thu nhập chuẩn bị cho bước tái hòa nhập cộng đồng. Qua tuyên truyền, định hướng, học viên đã lựa chọn những nghề phù hợp với năng lực, sở trường.
Theo đánh giá của những giáo viên trực tiếp dạy nghề cho học viên tại đây, học viên rất hào hứng, tích cực học nghề với quyết tâm cao làm lại cuộc đời. Nhiều học viên còn rất khéo léo, giỏi nghề, làm ra những sản phẩm đẹp, chất lượng. Thế nhưng, khao khát tìm công việc ổn định để tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện sau cai vẫn không ít gập ghềnh, chông gai.
Anh D.Đ.M ở xã Đại Đình (Tam Đảo) cai nghiện được hơn 10 tháng tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã lựa chọn học nghề điện với mong muốn sau này mở một cửa hàng sửa chữa điện hoặc làm công nhân.
Anh DĐM chia sẻ: "Nhiều lúc tôi rất lo lắng vì không biết có còn ai tin tưởng, cho tôi cơ hội để có việc làm không. Bởi tôi được biết không ít anh em cai nghiện thành công nhưng khi mang hồ sơ xin việc đều bị từ chối. Còn tự làm kinh tế ở nhà thì không có vốn, cũng không biết có việc gì phù hợp.
Nếu không có việc làm, nhàn rỗi, sinh ra chán nản, không ít người không đủ bản lĩnh lại tìm đến ma túy và tái nghiện như một vòng luẩn quẩn... Tôi mong xã hội có cái nhìn bao dung hơn với chúng tôi, mong Nhà nước tạo điều kiện giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn để chúng tôi có việc làm, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội".
Nói về nguyên nhân dẫn đến người nghiện sau cai khó tìm được việc làm, ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết: Mặc dù đã được điều trị, rèn luyện nhưng người sau cai nghiện vẫn có những mặt hạn chế về thể chất, tâm lý. Họ thiếu tự tin, thiếu kỹ năng trong phỏng vấn xin việc và bị cạnh tranh gay gắt với những người có chứng chỉ nghề bên ngoài.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, định kiến của xã hội với người nghiện còn khá nặng nề. Doanh nghiệp, người tuyển dụng lao động còn e ngại, không thiện cảm, đề phòng nên ít dành cơ hội việc làm cho người nghiện sau cai.
Để quản lý sau cai nghiện đạt hiệu quả, phòng chống tái nghiện cần gỡ được “nút thắt” là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Hiện, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh không chỉ chủ động nâng cao chất lượng đào tạo nghề mà còn phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp cho học viên ngay sau khi hoàn thành cai nghiện.
Tuy nhiên, thực tế, việc dạy nghề tại cơ sở chủ yếu mang ý nghĩa trị liệu cho người cai nghiện, chưa có những nghề “sát” với nhu cầu thị trường lao động và chưa được đầu tư trang thiết bị máy móc, kỹ thuật, đào tạo nghề chưa chuyên sâu nên vẫn khó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Bởi vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho đối tượng này.
Bên cạnh đó, khi người nghiện sau cai trở về địa phương, rất cần cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể quan tâm theo dõi, quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ và tìm nguồn, giới thiệu việc làm trong các doanh nghiệp; tăng cường hướng nghiệp, tổ chức học nghề gắn với “đầu ra” phù hợp.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho đối tượng sau cai nghiện vay vốn, giúp họ có việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập đồng.
Bài, ảnh: Phương Loan