Bộ đồ nghề cắt tóc cùng những hũ sành dùng đựng gạo nuôi nhà thơ Tố Hữu và cán bộ tiền khởi nghĩa hiện còn lưu giữ ở Khu di tích lịch sử mẹ Tơm.
Di tích lịch sử cách mạng mẹ Tơm nằm trên đường liên thôn ở làng Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Hiện dấu tích căn nhà tranh vách đất năm xưa không còn, mà được thay bằng ngôi nhà ngói ba gian khang trang trong khuôn viên rộng khoảng 500 m2 với vườn cây rợp bóng mát. Theo chính quyền địa phương, hàng năm khu lưu niệm thu hút rất đông người dân, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá và du khách thập phương đến tham quan.
Ngôi nhà được bài trí gọn gàng với ban thờ ở chính giữa và chủ yếu lưu giữ kỷ vật gắn với cuộc đời mẹ Tơm cùng những nhân vật lịch sử thời kỳ tiền khởi nghĩa trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển (1880-1953, quê ở làng Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc). Theo tài liệu lịch sử, sau khi chiếm khu du kích Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành thất bại, tình thế nguy cấp nên vào năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa phải chuyển sang vùng Nga Sơn, Hậu Lộc tiếp tục hoạt động. Ngôi nhà tranh vách nứa ba gian trên cồn cát ven biển hoang vắng của gia đình mẹ Tơm được chọn trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, in tài liệu, viết truyền đơn. Nơi đây được coi là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời bấy giờ.
Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hoá thời đó là ông Lê Tất Đắc, sau đó là Tố Hữu. Ở nhà mẹ Tơm hồi ấy còn có các ông Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ... Tại đây, cán bộ của ta củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở móc nối liên lạc, tiếp tục ra báo Đuổi giặc nước in bằng li-tô (khắc lên đá sau đó in ra giấy) và truyền đơn, biểu ngữ...
Trong hình là ảnh Bác Hồ và những nhân vật lịch sử được treo ở vị trí trang trọng. Ở hàng giữa dưới cùng là tấm hình ghi lại lần nhà thơ Tố Hữu về thăm gia đình mẹ Tơm năm 1961 rồi sáng táng bài thơ cùng tên nổi tiếng.
Ông Vũ Ngọc Rỡ (63 tuổi, cháu nội mẹ Tơm) nâng niu những kỷ vật của ông cha mà gia đình còn lưu giữ, trong đó đặc biệt nhất là bộ bộ đồ nghề cắt tóc dạo, những hũ sành, hòm đựng tiền, gạo nuôi cán bộ cách mạng hơn 80 năm trước.
Qua thời gian, bộ tông đơ, dao kéo cắt tóc đã hoen gỉ song vẫn còn khá nguyên vẹn. "Những ngày rảnh rỗi hay dịp lễ tết, tôi thường mang những kỷ vật này ra lau chùi rồi xếp lại ngăn nắp gọn gàng", ông Rỡ nói.
Gia đình cho hay, hai người con trai của mẹ Tơm là Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu ngày ấy đã bỏ công việc đồng áng đi làm nghề cắt tóc dạo lấy tiền nuôi các cán bộ đồng thời làm giao liên, phát báo, rải truyền đơn…
Ngôi nhà mẹ Tơm được công nhận Di tích lịch sử năm 2010. Bà Nguyễn Thị Quyển, tức mẹ Tơm được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng "Có công với nước".
Lăng mộ mẹ Tơm và người chồng được chôn cất ở phần đất ngay trước nhà.
Toàn cảnh khu lưu niệm mẹ Tơm và phần mộ rộng gần 1.500 m2 vừa được cải trang, tu bổ mới hoàn thiện.
Bà Đinh Thị Khuyến, Công chức văn hoá xã hội xã Đa Lộc cho hay, những năm gần đây thân nhân mẹ Tơm và chính quyền địa phương đã huy động kinh phí hoàn thiện khu Di tích mẹ Tơm nhằm giáo dục về lịch sử cho học sinh và thu hút du khách đến tham quan.
Diệu Linh (theo vnexpress.net)