Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, ngoài việc cấp kinh phí ngân sách cho thực hiện các đề tài, dự án KH&CN, cấp huyện còn được cấp kinh phí cho hoạt động KH&CN hàng năm. Nhiều địa phương trong tỉnh đã chuyển biến tích cực trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KH&CN, đưa hoạt động nghiên cứu khoa học trở thành một phong trào, phát triển mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, mang lại hiệu quả to lớn và thiết thực. Các công trình nghiên cứu khoa học như đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên địa bàn huyện Tam Dương được triển khai rộng khắp các lĩnh vực của đời sống, sản xuất như: Văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục, nông nghiệp - nông thôn,...đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. |
Riêng ngành giáo dục Tam Dương, trong năm học 2011-2012, đã có 756 sáng kiến, kinh nghiệm. Trong đó, bậc mầm non có 180, tiểu học có 275, trung học cơ sở có 295 và Phòng Giáo dục huyện có 6 sáng kiến. Qua đánh giá sơ khảo, đến cuối năm học, có 362 đề tài, sáng kiến được thực hiện và trình Hội đồng nghiệm thu đánh giá. Sau khi nghiệm thu, đã có 358 sáng kiến, kinh nghiệm được đánh giá đạt yêu cầu trở lên, có 29 sáng kiến, kinh nghiệm được Hội đồng nghiệm thu của Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá để làm cơ sở xét duyệt Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh năm học 2011-2012. Có thể thấy rằng, hoạt động nghiên cứu KH&CN ngày càng chuyển biến tích cực, phục vụ đổi mới cơ chế quản lý về công tác tổ chức và chuyên môn. Đặc biệt là đã tạo được phong trào nghiên cứu khoa học rộng khắp, từ đó mà nâng cao trình độ nhận thức, tư duy, phương pháp tiếp cận và giải quyết những vấn đề mới cho đội ngũ cán bộ công chức-viên chức. Tam Dương là huyện sớm thành lập được Hội đồng khoa học công nghệ huyện và hoạt động có hiệu quả. Đối với ngành giáo dục, đã thành lập Tiểu ban tuyển chọn, nghiệm thu sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp công tác ngành giáo dục nhiệm kỳ 2011-2015. Đặc biệt, trong mỗi ngành đều có một tiểu ban riêng nhằm đánh giá chính xác, khách quan, tìm ra những đề tài, sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp tốt để phổ biến nhân rộng trong toàn huyện và làm cơ sở xét duyệt thi đua khen thưởng đối với cán bộ, công chức hàng năm. Năm 2012, huyện Tam Dương có 30 đề tài, sáng kiến khoa học được thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Trong đó, có 2 đề tài cấp tỉnh 9 đề tài cấp huyện và 19 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Hai đề tài cấp tỉnh, với tổng kinh phí ngân sách sự nghiệp KH&CN tỉnh cấp là 320 triệu đồng, bao gồm: "Phục tráng giống dưa chuột truyền thống Tam Dương" và "Nhân rộng kết quả chọn lọc và thử nghiệm một số giống lúa thơm chất lượng cao đẩy mạnh phát triển thương hiệu gạo Long Trì" đã đi vào giai đoạn kết thúc, góp phần không nhỏ trong việc phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của huyện, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. So với các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, Tam Dương là huyện dẫn đầu về số lượng các đề tài, sáng kiến cấp cơ sở và có số lượng các sáng kiến, kinh nghiệm được ứng dụng vào thực tiễn nhiều nhất, đem lại những hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác quản lý và ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Tuy vậy, hiện nay, huyện còn một số khó khăn là các đề tài, sáng kiến phần lớn có quy mô nhỏ, chưa tập trung và nguồn kinh phí cho mỗi đề tài còn rất thấp (như năm 2012, ngân sách chi sự nghiệp KH&CN cho huyện chỉ được 130 triệu đồng), nên quy mô nhỏ, phạm vi ứng dụng không lớn. Từ thực tiễn hoạt động KH&CN của huyện Tam Dương, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Sự quan tâm, chỉ đạo thống nhất của đảng bộ, chính quyền cấp huyện đối với hoạt động KH&CN, thực sự coi KH&CN là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tê-xã hội của địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, đơn vị của Sở KH&CN với bộ phận quản lý KH&CN cấp huyện trong việc quản lý, kiểm tra và giám sát việc triển khai các hoạt động KH&CN trên địa bàn. Xây dựng các định hướng và chương trình ưu tiên phát triển KH&CN theo giai đoạn, trên cơ sở đó để bố trí, xét tuyển, lựa chọn các đề tài, dự án KH&CN đưa vào triển khai thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Quan tâm, củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của Hội đồng KH&CN cơ sở. Sử dụng đúng mục đích, hiệu quả kinh phí hoạt động KH&CN cấp huyện (hiện nay, trên 50% kinh phí KH&CN cấp huyện hàng năm của Tam Dương dùng để hỗ trợ thực hiện cho các đề tài, sáng kiến, giải pháp cấp huyện và cơ sở). Tổ chức tổng kết kịp thời các đề tài nghiên cứu, sáng kiến, kinh nghiệm thành công để phổ biến, nhân ra diện rộng. Gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ quan, đơn vị. Cần sự quan tâm, tăng cường các nguồn lực, như kinh phí, trang thiết bị và nhân lực cho hoạt động KH&CN cơ sở. Trước mắt cần tăng mức kinh phí sự nghiệp KH&CN cho cấp huyện. Thu Thủy |