Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày những ý kiến đóng góp, báo cáo tham luận liên quan đến vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam cũng như ở tỉnh. Trong những năm qua, sự suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam diễn ra với mức độ đáng lo ngại. Sự suy thoái của các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái rừng nội địa, rừng ngập mặn, đất ngập nước là nguyên nhân chính về suy thoái đa dạng sinh học. Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, ở Việt Nam, rừng nhiệt đới địa hình thấp không còn nguyên vẹn vì bị biến đổi do các hoạt động nông nghiệp và định cư của người dân. Do sự suy thoái của môi trường sống, đặc biệt là việc khai thác rừng quá mức khiến cho nhiều loài sinh vật hoang dã ngày càng trở nên hiếm, một số loài có nguy cơ bị tiêu diệt, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cũng dần bị mất đi. Theo các chuyên gia, việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên cùng với vấn đề ô nhiễm, biến đổi khí hậu là những nguyên nhân khiến cho nguy cơ diệt vong của các giống, loài cao hơn rất nhiều lần so với những gì đã được thông báo cho đến nay. Theo Trung tâm giám sát bảo tồn thế giới, Việt Nam là một trong 16 nước có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Việt Nam được công nhận là một trung tâm đặc hữu về loài, chứa đựng một phần hoặc toàn bộ trong số 5 vùng chim đặc hữu, 3 vùng sinh thái trong hơn 200 vùng sinh thái toàn cầu do WWF xác định và 6 trung tâm đa dạng về thực vật do UICN xác định. Đối với Việt Nam, đa dạng sinh học không chỉ là các loài sinh vật hoang dã và sinh cảnh của chúng trong các khu vực bảo tồn thiên nhiên mà còn là các hệ thống hỗ trợ cuộc sống, có ý nghĩa then chốt đối với phát triển cũng như phúc lợi xã hội, bao gồm các động, thực vật, vi sinh vật được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp làm thức ăn cho ngành nông nghiệp; các nguồn gen di truyền, các loài được sử dụng để lấy sợi, chất đốt, dược liệu... Các lợi ích mà Việt Nam được hưởng từ đa dạng sinh học không chỉ là khai thác liên tục các nguồn tài nguyên mà còn đảm bảo duy trì cung cấp một loạt các chức năng sinh thái như: duy trì chu trình nước, điều hòa khí hậu, sản sinh và làm màu mỡ cho đất, chống xói mòn, phân hủy và hấp thu các chất gây ô nhiễm. Bảo tồn đa dạng sinh học giúp tránh được việc tăng phí tổn do hậu quả của sự suy thoái các hệ sinh thái. Các giá trị thẩm mỹ và văn hóa của các hệ sinh thái tự nhiên và các cảnh quan của Việt Nam cũng đóng góp vào cuộc sống tinh thần của một xã hội đang bị đô thị hóa. Tại hội thảo lần này, những vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học của Vĩnh Phúc cũng đã được các đại biểu trình bày và thảo luận như: “Sinh vật ngoại lai xâm hại và những vấn đề đặt ra với tỉnh Vĩnh Phúc”, “Đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Tam Đảo”... Theo đó, các ý kiến thảo luận tập trung đánh giá những tác động sinh thái của sinh vật ngoại lai xâm hại ở Vĩnh Phúc; nguyên nhân và con đường xâm nhập của sinh vật ngoại lai xâm hại; đồng thời đề xuất những biện pháp nhằm kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở tỉnh ta; bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xanh cũng như các lĩnh vực khác. Việt Sơn |