Tuy nhiên “mảng tối” của các làng nghề chính là vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo kết quả nghiên cứu của Dự án điều tra đánh giá hiện trạng môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh do Sở Công thương chủ trì thực hiện cho thấy, hiện nay hầu hết các cơ sở sản xuất ở các làng nghề có quy mô hộ gia đình vẫn nằm trong khu dân cư, công nghệ sản xuất thô sơ, lạc hậu và mang tính thủ công, vốn đầu tư nhỏ nên chưa có khả năng đầu tư cho việc xử lý chất thải, do đó ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng gia tăng. Hoạt động sản xuất làng nghề phát sinh tiếng ồn, khí thải, nước thải và chất thải rắn. Nhiều làng nghề đang gây ô nhiễm như: làng nghề mộc Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ, Yên Phương, Vĩnh Đông, Vĩnh Đoài, Vĩnh Trung, rèn Lý Nhân, đục đá Hải Lựu và tái chế nhựa Đông Mẫu thường phát sinh tiếng ồn, dung môi hữu cơ và khí thải lò than… Các cơ sở sản xuất ở các làng nghề đều chưa áp dụng các biện pháp xử lý, gây ô nhiễm môi trường lao động và môi trường không khí xung quanh. Đối với các làng nghề chế biến thực phẩm, tái chế phế liệu sắt thép, nhựa ở xã Đồng Văn, Tề Lỗ, Yên Đồng (Yên Lạc) hoặc làng nghề nuôi rắn xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)… phát sinh nước thải và hầu như không được thu gom, xử lý mà xả thải trực tiếp ra các thủy vực gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt. Tại các làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh và triệu chứng bệnh cao nhất là về các nhóm bệnh: hô hấp, mắt, da liễu, bệnh về đường tiêu hóa, bệnh nhiễm độc kim loại, ung thư… và các bệnh này đang ngày càng gia tăng, xu hướng tuổi thọ trung bình của người dân trong các làng nghề ô nhiễm ngày càng giảm đi. Hầu hết cơ sở sản xuất tại làng nghề không có thủ tục, hồ sơ về môi trường. Cấp quản lý nhà nước tại các địa phương cũng không có cán bộ chuyên trách quản lý môi trường làng nghề… Để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường tiến tới từng bước phục hồi, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường khu vực làng nghề, dự kiến giai đoạn 2012 - 2020 UBND tỉnh sẽ đầu tư 133 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 109 tỷ đồng, còn lại là huy động từ các nguồn khác 24 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 17 công trình xử lý nước thải làng nghề nằm xen kẽ trong khu dân cư, hỗ trợ 240 mô hình xử lý chất thải ở 16 làng nghề hiện đang phát sinh tiếng ồn, bụi và khí thải lớn. Mỗi làng nghề sẽ lựa chọn 15 cơ sở có mức độ ô nhiễm nhất để xem xét, hỗ trợ và mỗi cơ sở này chỉ được xem xét hỗ trợ 1 hệ thống xử lý. Đối với công trình xử lý nước thải làng nghề trong khu dân cư, ngân sách tỉnh hỗ trợ theo dự toán, thiết kế được phê duyệt (bao gồm giải phóng mặt bằng, hạ tầng đấu nối và công trình xử lý) và tối đa không quá 5 tỷ đồng/công trình. Đối với hệ thống xử lý chất thải làng nghề khác (bụi, tiếng ồn, khí thải) ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/hệ thống xử lý/cơ sở sản xuất (số tiền hỗ trợ này không được vượt quá 50% tổng chi phí mua thiết bị và lắp đặt hệ thống xử lý đó, kinh phí còn lại cơ sở sản xuất phải tự bỏ vốn làm đối ứng). Quá trình triển khai hỗ trợ phải có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Toàn bộ chi phí vận hành như bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế… là do các hộ sản xuất, chủ cơ sở sản xuất tự cân đối, bố trí từ lợi nhuận sản xuất, kinh doanh. Song để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn trên các cơ sở, hộ sản xuất làng nghề cần thực hiện tốt các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ như: áp dụng sản xuất sạch hơn trong các làng nghề truyền thống, hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, thiết bị, quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu hao tốn nguyên liệu, nhiên liệu và phát sinh chất thải tại các khu sản xuất tập trung, làng nghề. Bên cạnh đó tỉnh cũng khuyến khích ứng dụng các mô hình xử lý khí thải đơn giản, hiệu quả như lọc bụi tay áo, xyclone, xử lý bụi sơn bằng lọc màng nước, than hoạt tính…; Cải tạo nhà xưởng, lắp đặt vách ngăn bằng vật liệu cách âm nhằm giảm thiểu tiếng ồn và rung chấn trong các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Nếu vấn đề này được áp dụng và triển khai đồng bộ thì “mảng tối” của làng nghề sẽ từng bước được giải quyết. Thuỷ Chung |