Công tác phòng, ngừa tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai việc kê khai tài sản và thu nhập; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ… Trong năm, công tác cải cách hành chính theo cơ chế một cửa được duy trì ở 3 cấp đối với 20 sở, ngành, 9 UBND huyện, thành, thị và 137 xã, phường, thị trấn. Cơ chế một cửa liên thông được thực hiện ở 4 đơn vị… Các cơ quan, đơn vị mở rộng kết nối mạng LAN nội bộ, có 18 sở, ngành xây dựng trang web tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh, từng bước xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các cấp, các ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước cơ bản thực hiện tốt các định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã ban hành. Tổng số tiền tiết kiệm 10% chi thường xuyên dành để chi cải cách tiền lương và kiềm chế lạm phát là 236,936 tỷ đồng. Các doanh nghiệp Nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý doanh thu, chi phí; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định mức để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng lợi nhuận… Mọi chi phí phát sinh trong hoạt đông kinh doanh của đơn vị được cán bộ, công nhân viên kiểm soát thông qua quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị với tinh thần tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với công tác chỉ đạo triển khai thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường để ngăn ngừa, chấn chỉnh sai phạm trên tất các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Thường trực Ban chỉ đạo kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại 18 đơn vị. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc triển khai thực hiện 6 giải pháp phòng ngừa tham nhũng quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng; việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản; quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản; việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm…. Ngoài các chương trình kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch, các ngành thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phối hợp kiểm tra theo các chương trình của các bộ, ngành trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Các đơn vị đã nghiêm túc khắc phục, thực hiện kiến nghị sau thanh tra; công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán được chấn chỉnh kịp thời. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện với phương châm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm. Đã xét xử 3 vụ/4 bị cáo. Tuy vậy, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thiếu cụ thể; việc phát hiện các hành vi tham nhũng, việc làm lãng phí còn hạn chế… Do đó, trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực hiện một số giải pháp cụ thể như: tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tỉnh về việc thông tin tố giác tội phạm, phát hiện, xử lý các dâu hiệu tham nhũng, lãng phí, đồng thời công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, thuế, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản… Bạch Dương |