Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; phối hợp với các sở, ban, ngành… xây dựng, duy trì, cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận, tra cứu các văn bản được dễ dàng và vận dụng vào thực tiễn kinh doanh. Năm 2011, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện chương trình 585, phối hợp khảo sát đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đã phát hành hơn 800 phiếu khảo sát, tổ chức 6 cuộc hội thảo cấp tỉnh, 1 cuộc tọa đàm trực tiếp với sự tham gia của các sở, ban, ngành, đại diện các doanh nghiệp. Qua đó, đánh giá được thực trạng, nhu cầu hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quá trình thực tế của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp rất phức tạp và có nhiều tồn tại cần khắc phục. Từ thực tế cho thấy, khó khăn nhất là việc xác định đúng, đầy đủ văn bản pháp lý liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán, giao dịch… Các văn bản pháp luật của nước ta còn hạn chế về tính minh bạch thông tin và thiếu tính ổn định. Trong khi đó, hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp trong việc áp dụng. Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Tư pháp, Sở KH-ĐT, Sở KH-CN, Cục Thuế… và Đoàn Luật sư tỉnh đã có nhiều cố gắng để hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp qua nhiều kênh thông tin: mở hội nghị, hội thảo, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, cung cấp dịch vụ pháp lý…; nhưng nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp chưa được các cơ quan giải đáp kịp thời, dẫn đến hạn chế trong thực thi và giải quyết hậu quả xảy ra. Khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp là rất lớn, nhưng thực tế lại cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự hiểu hết được tầm quan trọng của pháp luật với hoạt động SXKD của mình. Khi các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý thì số lượng doanh nghiệp tham gia khá hạn chế (Các doanh nghiệp lý giải rằng do cách thức tổ chức và nội dung chuyên đề pháp luật chưa thật sự phù hợp, chưa sát với yêu cầu doanh nghiệp). Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên từ kỹ năng hành nghề nên sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, thậm chí còn không mấy quan tâm, chỉ đến khi xảy ra hậu quả, tranh chấp thì mới đến các cơ quan chức năng hoặc các dịch vụ pháp lý. Từ thực trạng trên, các ý kiến thảo luận đã đưa ra một số giải pháp mang tính cơ bản, để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn. Trước hết, cần phải hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hạn chế tối đa sự chồng chéo, giảm khó khăn cho quá trình áp dụng. Các cơ quan chức năng cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm, hỗ trợ nhanh và kịp thời cho các doanh nghiệp về mặt pháp lý. Một giải pháp đặc biệt quan trọng xuất phát từ chính lợi ích của các doanh nghiệp là các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu pháp luật, coi trọng ý nghĩa của pháp luật kể cả khi chưa xảy ra rủi ro, khai thác nhiều kênh thông tin pháp luật và nên bố trí người phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc thuê luật sư tư vấn thường kỳ cho doanh nghiệp. Đã đến lúc cả hai phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh cần tạo một lực đẩy trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần đưa hoạt động của doanh nghiệp đến thành công. Mai Thơ |