Năm học mới đã bắt đầu, cũng là lúc những quán hàng ăn vặt bên những cánh cổng trường lại nhộn nhịp, tấp nập kẻ mua, người bán. Chỉ từ 2.000 - 15.000 đồng, các em học sinh có thể mua được nhiều món ăn vặt bày bán trước cổng trường. Thế nhưng, các mặt hàng này đa phần không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người sử dụng.
Khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa hàng bán đồ ăn nhanh trước cổng trường học. Ảnh: Trà Hương
Trước cổng Trường tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, cuối buổi học, những chủ quán hàng rong bán đồ ăn vặt tại đây dường như hoạt động hết công suất, bởi đó là thời điểm học sinh ra khỏi trường và có nhu cầu ăn quà vặt rất đông. Không ít phụ huynh vì chiều con cũng trực tiếp mua những đồ ăn vặt này cho con mình…
Theo quan sát, các hàng quán này gồm những chiếc tủ nhỏ bày bán thức ăn chín như xôi, bánh mì, xúc xích… Bên trong quán treo những loại đồ ăn vặt như bánh, kẹo, bim bim, bỏng ngô, thịt bò khô... Các đồ ăn này đều có đặc điểm chung là màu sắc sặc sỡ, bao bì bắt mắt, được in bằng chữ nước ngoài…
Giá cả của những món ăn vặt này cũng rất rẻ, chỉ từ 1.000 - 10.000 đồng/sản phẩm. Bên cạnh nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng thì người chế biến và bán đồ ăn chín không đeo găng tay hay bất kỳ dụng cụ bảo đảm vệ sinh nào khác...
Việc bán hàng ăn vặt ở trước cổng Trường tiểu học Liên Bảo không phải là cá biệt mà tình trạng này đang diễn ra phổ biến trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và nhiều địa phương trong tỉnh. Mặc dù đã được các ngành chức năng và nhà trường liên tục cảnh báo, nhiều trường còn có chủ trương cấm học sinh ăn quà vặt và "đánh" vào thành tích thi đua của từng lớp, thế nhưng, việc ngăn chặn, dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn là vấn đề nan giải.
Dạo quanh một số trường học trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, trước khi vào học, giờ ra chơi hay khi tan học, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những quán hàng rong "di động” bày bán đủ các món ăn nhanh như khoai tây chiên, phô mai que, xúc xích, bỏng ngô, mì giòn... sẵn sàng phục vụ các “thượng đế” nhí.
Chỉ với chiếc bếp gas mini, chảo dầu, mỡ đã sử dụng nhiều lần là đã có ngay một hàng xiên chiên, xúc xích hay bò bía kèm với một số đồ ăn vặt khác. Điểm chung của các thực phẩm này là được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi và nguyên liệu thì có khi đến người bán cũng không rõ nguồn gốc.
Thế nhưng, những món ăn 3 không (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) vẫn cuốn hút học sinh và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của thế hệ tương lai.
Thực trạng này khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo ngại và cố gắng quản lý con em mình “chặt” nhất có thể nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Chị Nguyễn Thị Thu, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thời tiết lại chuyển mùa, nắng mưa thất thường nên nguy cơ nhiễm khuẩn từ thức ăn đường phố rất cao.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho con, ngoài dặn dò con tránh xa những món đó, tôi cũng kiên quyết không cho tiền tiêu vặt. Nhưng có lẽ chỉ là biện pháp tạm thời, vì nhiều khi đi học cháu ăn cùng bạn bè lúc ấy rất khó quản lý”.
Tương tự, anh Phạm Xuân Hùng, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên bày tỏ: “Đa số hàng rong đều là những sản phẩm chứa phẩm màu, hóa chất công nghiệp, không rõ xuất xứ, kém chất lượng, thậm chí là quá hạn sử dụng vẫn được bày bán. Điều mà chúng tôi băn khoăn là tất cả các mặt hàng hầu hết đều có giá tiền từ 1 - 2 nghìn đồng. Vậy ai có thể đảm bảo chất lượng cũng như sự an toàn của chúng khi không có bất kỳ giấy tờ hay chứng nhận gì về độ an toàn vệ sinh thực phẩm".
Trên thực tế, báo chí và các trang mạng xã hội cũng đã phản ánh không ít những vụ việc đau lòng mà thủ phạm là những món quà vặt. Đơn cử như trường hợp một nữ sinh lớp 7 tại Nghệ An đã tử vong vào tháng 3/2018 sau khi ăn chè tại một quán ăn trước cổng trường; đầu năm 2019, 7 học sinh tại một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì và xôi được mua trước cổng trường...
Tại Vĩnh Phúc, dù chưa có vụ việc nào trẻ tử vong do ăn đồ ăn vặt bán tại các cổng trường, song những trường hợp trẻ ăn quà vặt dẫn đến rối loạn tiêu hóa, mắc các bệnh về đường ruột không phải là không có.
Hàng quán mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện đang là mối nguy cơ “treo” trước cổng trường, ảnh hưởng sức khỏe các em học sinh, trở thành nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Ai cũng bức xúc khi đi ngang qua một cổng trường, từ lòng đường đến vỉa hè đều có nhiều hàng, quán, xe hàng rong án ngữ, học sinh vây kín mua thức ăn gây ùn tắc giao thông. Môi trường học tập cho học sinh bị ảnh hưởng, mỹ quan đô thị trở nên nhếch nhác cũng vì các loại hàng, quán này.
Được biết, từ tháng 10/2018, Nghị định 115 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã tăng mức xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay...
Đây được xem là một trong những chế tài mạnh tay nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát thực phẩm bẩn, đặc biệt trong tình trạng hàng rong, thức ăn chế biến sẵn trên đường phố, tại các khu công cộng và cổng trường đang tràn lan như hiện nay.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, nhiều người bán hàng, nhất là những người bán hàng rong nơi cổng trường vẫn chưa biết hoặc biết mà chưa thực hiện đúng theo quy định. Còn các ngành chức năng liên quan chủ yếu mới dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở hoặc tịch thu tang vật mà chưa tiến hành xử phạt.
Thiệu Vũ