Trong một lần đón vài người bạn thân từ Hà Nội lên chơi, anh Mai Trung Hoàn (học viên HVKTQS) đã đưa bạn của mình vào quán bán đồ ăn nhanh có tên Lottelia tầng trệt - Trung tâm Thương mại Soiva Plaza - Vĩnh Yên. Anh Hoàn cho biết: Sau khi gọi một số đồ ăn và nước uống, nhân viên yêu cầu tôi thanh toán tiền luôn và đứng chờ lấy đồ ăn. Thâý lạ, tôi đã ra bàn ngồi và nhẹ nhàng nhờ nhân viên sau khi làm xong đồ ăn thì mang ra giúp. Không ngờ, khi tôi và những người bạn đang nói chuyện vui vẻ, nhân viên mang đồ ăn ra và bỏ “phịch” xuống bàn, rồi “lia” cho từng người với một thái độ lạnh lùng, khó chịu. Bất ngờ về cách ứng xử không văn hóa đó, tôi đã đứng lên mang trả lại đồ ăn và yêu cầu gặp người quản lý phản ảnh lại thái độ mất lịch sự, thiếu tôn trọng khách hàng của nhân viên kia. Khi ấy người quản lý đã nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi tôi…” Câu chuyện của anh Hoàn là một trong số rất nhiều những tình huống ứng xử không hay của người bán hàng trong văn hóa kinh doanh thương mại. Có rất nhiều người ngại đi mua hàng buổi sáng sớm hay ngày mồng Một đầu tháng chỉ bởi một lý do ái ngại thái độ chủ cửa hàng nếu không không mua. Chị Nguyễn Thị Hằng (xã Hoàng Lâu, Tam Dương) chia sẻ “ Một lần đi chợ Vĩnh Yên mua tặng cháu bộ quần áo nhân dịp sinh nhật. Do còn cân nhắc xem bộ nào vừa với cháu nên tôi xem nhiều mẫu, người bán hàng tỏ ngay thái độ “mua bộ nào thì lấy, không thì đi đi cho người ta bán hàng”, rồi giằng ngay bộ quấn áo trên tay chị, và bật lửa đốt vía… Trong hai câu chuyện trên, lẽ ra, người bán hàng cần biết rằng, khi khách hàng bỏ tiền ra mua sản phẩm thì họ có quyền lựa chọn món hàng sao cho tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Bởi vậy, văn hóa kinh doanh nói chung, từ dịch vụ ăn uống đến các mặt hàng khác không chỉ ở chất lượng món ăn, món đồ mình lựa chọn mà còn là ở thái độ phục vụ khách hàng phải chuyên nghiệp và chu đáo. Trong thời hội nhập kinh tế, hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra nhộn nhịp, nhiều đơn vị kinh doanh từ các doanh nghiệp lớn, các siêu thị đến các chuỗi của hàng bán lẻ cũng đã thay đổi những phương thức kinh doanh hướng tới phục vụ khách hàng được tốt nhất. Chị Thắng, chủ Shop thời trang Trường Thắng - đường Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Yên) chia sẻ: Bản thân mình là người bán hàng, nhưng mình cũng là khách hàng khi mua sắm những vật dụng khác. Bởi vậy, mình muốn gì khi bỏ tiền ra mua hàng, thì người khác khi mua hàng của mình cũng vậy. Khách hàng đến với shop của tôi, tôi luôn dành cho họ không khí thoải mái. Tôi luôn tư vấn để khách có những bộ đồ mặc đẹp, tự tin chứ không phải vì muốn bán được hàng mà bộ nào khách mặc vào tôi cũng khen… nếu thấy thích thì mua, còn không ưng ý điều gì thì có thể đổi lại. Tôi nghĩ đó cũng là cách ứng xử văn hóa giúp tôi kinh doanh tốt hơn ” Văn minh thương mại không chỉ thể hiện ở thái độ phục vụ giữa người mua và người bán. Hơn thế nữa, việc bán hàng đúng giá niêm yết, không cân điêu, bán thiếu, bán hàng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng là yêu cầu rất cần thiết. Hiện nay, tại các chợ truyền thống xảy ra tình trạng bán hàng giả lẫn vào hàng thật, đánh lừa khách hàng, tình trạng buôn gian, bán lận không phải hiếm gặp… Trước thực trạng đó, hiện nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã thay đổi cách quản lý, tích cực thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động nhằm xây dựng văn minh thương mại. Nhiều chợ đang có biện pháp nhằm xây dựng tác phong kinh doanh văn minh, lành mạnh, như: Đầu tư hạ tầng cơ sở, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ. Bên cạnh đó, chợ còn đặt cân kiểm chứng để bảo đảm tính khách quan cho hộ kinh doanh và niềm tin cho khách hàng. Thời gian qua, cùng với việc tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng, Sở Công thương cũng đã phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng và đạo đức kinh doanh cho các doanh nghiệp và tiểu thương tại các huyện, thành, thị. Cùng với đó, nhiều ngành kinh tế khác cũng chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ để chăm sóc khách hàng được tốt nhất như: Ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Bình Xuyên tổ chức tập huấn trực tiếp về tư vấn bán sản phẩm dịch vụ khách hàng; Năm 2013 Tổng Công ty Điện lực Miền bắc đã lấy chủ đề “Năm Kinh doanh và dịch vụ khách hàng”. Trong tháng 4 năm 2013, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tập huấn công tác Kinh doanh điện năng và Kiểm tra giám sát với mục đích nâng cao công tác nghiệp vụ kinh doanh và công tác chăm sóc khách hàng nhằm phục vụ khách hàng được tốt nhất… Trong xu thế hội nhập, điều chúng ta hướng tới là một xã hội văn minh. Bởi vậy, ứng xử có văn hóa trong kinh doanh, tích cực xây dựng văn minh thương mại góp phần xây dựng một xã hội hiện đại đúng nghĩa. Bài, ảnh Phương Loan |