Nằm trong chương trình Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề Danh nhân Nguyễn Duy Thì và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc do UBND tỉnh tổ chức vào sáng 9/1, chiều 8/1, đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo huyện Bình Xuyên, các đại biểu tham dự hội thảo và đại diện dòng họ Nguyễn Duy đã đến dâng hương tưởng nhớ Danh nhân Nguyễn Duy Thì tại Đền thờ Nguyễn Duy Thì, Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu và các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Danh nhân Nguyễn Duy Thì. Ảnh: Nguyễn Lượng
Danh nhân Nguyễn Duy Thì sinh năm 1572, giờ Canh Thìn, ngày Ất Mùi, mùng 10 tháng 3. Ông là người làng phủ Tam Đới xưa, nay thuộc Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên.
Năm ông 27 tuổi, khi nhà Mạc bị lật đổ, đất nước chuyển sang thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Duy Thì đã tham gia khoa thi Mậu Tuất năm 1598 (năm Quang Hưng 21 đời vua Lê Thế Tông) và đỗ Hoàng Giáp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu trao quà tặng Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Nguyễn Duy Thì. Ảnh: Nguyễn Lượng
Ông ra làm quan và kinh qua nhiều chức vị rường cột của quốc gia như Lại bộ Tả thị lang kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám; Lễ bộ Tả thị lang; Thượng thư bộ Công; Thượng thư bộ Binh; Thượng thư bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ, Tế tửu Quốc Tử Giám, Thái phó và tước Tuyền Quận công (1648-1649). Ông cũng từng hai lần được triều đình cử đi sứ sang nhà Minh vào các năm 1606 và 1623.
Suốt hơn 50 năm trên quan trường, Nguyễn Duy Thì được người đời biết đến và nể phục bởi tài năng, đức độ, là vị quan thanh liêm gần dân, chăm lo cho dân, cho nước, luôn lấy dân làm gốc của đạo trị nước. Ông cũng để lại nhiều bài học về đạo làm quan cũng như những tư tưởng cải cách về văn hóa, giáo dục vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Nguyễn Khánh