Cùng với những cơ chế, chính sách thông thoáng, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là xây dựng các chính sách đặc thù, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Nhờ những chính sách “trải thảm đỏ” của tỉnh, các doanh nghiệp Hàn Quốc liên tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất (Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Jahwa Vina). Ảnh: Thế Hùng
Đầu tháng 12/2024, Diễn đàn "Giải pháp xanh toàn diện các khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư" vào tỉnh như một minh chứng về sự đổi mới hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ và chiều sâu của tỉnh.
Diễn đàn đã thu hút hơn 300 đại biểu đến từ một số hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan hợp tác quốc tế tại Việt Nam; doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN); doanh nghiệp đầu tư thứ cấp; doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Nhờ đó không chỉ tạo cơ hội để chủ đầu tư tiếp cận với các mô hình phát triển KCN xanh, bền vững mà còn tăng cường quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư vào tỉnh.
Ngay tại diễn đàn, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư toàn diện với một số nhà đầu tư, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án FDI với tổng mức đầu tư gần 140 triệu USD, 1 dự án DDI với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Đồng thời trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho Công ty TNHH IMARKET Việt Nam về nghiên cứu, khảo sát địa điểm đầu tư dự án hạ tầng KCN, đầu tư sân golf tại Vĩnh Phúc vào năm 2025 và biên bản ghi nhớ đầu tư cho Công ty cổ phần KINDERWORLD Việt Nam về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án khu đô thị phức hợp giáo dục quốc tế tại Vĩnh Phúc... mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mới đây, tại sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 2, năm 2024 (Techfest VinhPhuc 2024), UBND tỉnh đã ký kết hợp tác với Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Tập đoàn FPT về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ địa phương; hợp tác chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đây không chỉ là cơ hội vàng để tỉnh sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới với nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ số mà còn khẳng định chủ trương đúng đắn và quyết liệt của tỉnh trong các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng các chính sách đặc thù và thay đổi cách xúc tiến đầu tư.
Sau gần 30 năm tái lập, nỗ lực xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư ở khu vực miền Bắc. Năm 2022, toàn tỉnh thu hút được 70 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 462 triệu USD, vượt gần 2,7% kế hoạch năm thì đến năm 2023, thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn 78 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đạt 604,2 triệu USD, tăng 30,76% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech và các nhà đầu tư Hàn Quốc ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư. Ảnh: Thế Hùng
Riêng 11 tháng năm 2024, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 74 dự án FDI với tổng vốn 590 triệu USD, vượt gần 50% kế hoạch năm; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 37 dự án DDI với tổng vốn 5.151 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình Công bố bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) - dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế do Vietnam Report tổ chức, Vĩnh Phúc đã lọt Top 10 địa phương trên cả nước hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024.
Tại kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh phiên cuối năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nhấn mạnh: Phải đổi mới cách tiếp cận thu hút đầu tư, “chuyển trạng thái” từ việc chờ nhà đầu tư đến “xin” để “cho” sang chủ động mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, nguồn tài chính đảm bảo, có kinh nghiệm, tâm huyết... để thực hiện các dự án quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết, giá trị gia tăng cao…
Hiện thực hóa định hướng trên, phấn đấu năm 2025, toàn tỉnh thu hút 22 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 800 triệu USD và 12 dự án DDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 2.200 tỷ đồng, tỉnh đã và đang tái cơ cấu thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào các nhà đầu tư chiến lược, các đối tác tiềm năng, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường, ứng dụng nền tảng số.
Gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng, khuyến khích thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất điện tử, chất bán dẫn.
Đặc biệt, nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh lên hơn 80% đến năm 2030. Thu hút thêm 1-5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng đầu tư vào tỉnh...
Hồng Tính