Những tín hiệu tốt trong thời gian vừa qua đối với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho thấy niềm yêu thích tìm hiểu lịch sử dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có giới trẻ.
Các bóng hồng xinh đẹp của khối nữ quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam trong buổi tổng duyệt cho Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024.
Từ ngày 1-11, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mở cửa, có ngày đón khoảng 40.000 lượt khách. Trong dòng người ấy có rất nhiều bạn trẻ chọn nơi đây là điểm đến để tìm hiểu lịch sử, văn hóa, nguồn cội và truyền thống dựng nước gắn liền với giữ nước của dân tộc.
Và mới vào đêm 16-12, lần đầu tiên sau khi mở cửa đã đón gần 1.000 bạn trẻ của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam có buổi trải nghiệm, tham quan bảo tàng. Nhiều bạn trẻ đã xúc động trước lá cờ với những hình ảnh, hiện vật lịch sử được trưng bày trong bảo tàng.
Trong đó nhiều bạn trẻ đã đứng rất lâu để chụp ảnh với những hiện vật chứa đựng các câu chuyện về lịch sử, như với lá cờ Tổ quốc đầu tiên của nước Việt Nam. Lá quốc kỳ nằm trong gian trưng bày những ngày kháng chiến giành độc lập dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...
"Địa điểm kết nối học tập..."
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thượng tá Nguyễn Thành Lê - phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - bày tỏ cảm xúc vui mừng khi thấy sự quan tâm, yêu thích tham quan tìm hiểu lịch sử của người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, các bạn học sinh sinh viên.
"Trong thời gian tới bảo tàng sẽ tiếp tục hoàn thiện thật tốt, chuẩn xác về lịch sử để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân, đặc biệt giới trẻ, đến với bảo tàng" - thượng tá Lê chia sẻ.
Những tín hiệu tốt trong thời gian vừa qua đối với bảo tàng cho thấy bề dày lịch sử, sự yêu thích tìm hiểu lịch sử dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có giới trẻ.
Tín hiệu này, như thượng tá Nguyễn Thành Lê nói, là "không đơn thuần chỉ vì đây là một bảo tàng to, hoành tráng mà chính là sự quan tâm tới lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và đây là một thành công trong việc tái hiện lại một phần của lịch sử".
Trong thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các nội dung của giai đoạn 2 với tám chuyên đề có thể kể đến là về Mẹ Việt Nam anh hùng; Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân; các loại vũ khí, cờ, huân huy chương... Cùng với đó là 12 chuyên ngành như hải quân, không quân, pháo binh, tăng thiết giáp, thông tin liên lạc...
Bảo tàng cũng sẽ phục dựng lại ở phía ngoài trời các công trình, di tích lịch sử tiêu biểu của đất nước như làng chiến đấu Bắc Bộ và Nam Bộ, bãi cọc Bạch Đằng, trận địa Điện Biên Phủ, trận địa tên lửa bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng, địa đạo Củ Chi...
"Tất cả sẽ tạo thành một đại cảnh quan kết nối theo đúng mục đích của bảo tàng - bảo tàng trong công viên. Đây sẽ là địa điểm kết nối, học tập, nghiên cứu, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, tham quan nghỉ dưỡng..." - thượng tá Lê chia sẻ.
Dự kiến trong thời gian tới bảo tàng sẽ có những khu tương tác trải nghiệm, các khu hoạt động cộng đồng sinh thái để tổ chức các chương trình giáo dục di sản đối với mọi tầng lớp, đặc biệt là học sinh các cấp, để học tập lịch sử Việt Nam.
Trong đó sẽ xây dựng các trò chơi quân sự khác nhau như kéo pháo, đi thuyền mô phỏng thuyền chiến trên hồ tái hiện các sự kiện như các trận chiến lịch sử, mở các tour đêm, trải nghiệm lái xe tăng, lái máy bay...
Vun đắp tình yêu đất nước
Thiếu tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, nguyên tư lệnh Binh chủng Công binh, cho biết ông rất xúc động khi chứng kiến những đoàn người dân, du khách, nhất là các bạn trẻ, xếp hàng vào tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Theo tướng Kiền, trước đây khi bảo tàng còn ở vị trí cũ trên đường Điện Biên Phủ do diện tích nhỏ hẹp nên việc trưng bày còn gặp nhiều khó khăn, chưa được toàn diện.
Nhưng từ khi chuyển về địa điểm mới, với diện tích rộng, quy mô nên có thể trưng bày được rất nhiều hiện vật, trong đó có các loại vũ khí được sử dụng suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là ở hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp.
Thêm vào đó, việc bảo tàng mở cửa đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam càng thêm ý nghĩa.
"Thời gian qua tôi đã có nhiều dịp đến đây và chứng kiến rất nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ, rất vui vẻ chờ đợi xếp hàng để được vào tham quan bảo tàng.
Đến đây mọi người được chiêm ngưỡng công trình quy mô, đồ sộ về mặt kiến trúc, trưng bày. Đồng thời đến đây để tìm hiểu về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông cũng như quá trình hình thành, xây dựng, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 80 năm qua.
Tôi cảm nhận rất rõ ai cũng rạng rỡ, háo hức, tự hào về truyền thống của dân tộc, của quân đội và chính với bảo tàng. Qua đây đã giúp giáo dục, vun đắp thêm tình yêu nước đối với thế hệ trẻ, thanh niên", tướng Kiền nêu rõ.
Tướng Kiền bảo rằng qua việc đến thăm bảo tàng, tận mắt xem các hiện vật sẽ giúp thế hệ trẻ, thanh niên nâng cao hơn tinh thần sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia quân đội để bảo vệ Tổ quốc khi được yêu cầu.
"Thông qua bảo tàng này chính là một bài giảng về lịch sử toàn diện, giáo dục rất tốt cho các thế hệ, nhất là giới trẻ.
Bên cạnh việc vun đắp lòng yêu nước thì qua đây cũng thể hiện niềm tin vào quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin vào bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", tướng Kiền nhấn mạnh thêm.
Ông Lê Việt Trường (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội): Tìm hiểu lịch sử hào hùng của dân tộc: "Tôi rất vui khi thấy người dân, nhất là thế hệ trẻ, đã đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thời gian qua. Bất cứ khi nào có cơ hội, mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, đều muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc, thành tựu của cha ông đạt được.
Việc bảo tàng này được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, trưng bày toàn diện và đầy đủ đã tạo thêm cơ hội cho giới trẻ đến tìm hiểu, học hỏi về các bài học lịch sử, truyền thống của dân tộc và quân đội anh hùng".
Vũ Hương (Theo tuoitre.vn)