Họ là những người phụ nữ, với lòng chung thủy sắt son, đức hy sinh cao cả, luôn thầm lặng, tần tảo gánh vác việc gia đình để chồng yên tâm công tác, hoàn thành trọng trách thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc; là hậu phương vững chắc, là nguồn động lực, là sức mạnh giúp các anh vững bước trên mọi nẻo đường, trở thành những ngôi sao sáng lấp lánh.
Những giây phút bình dị, hạnh phúc của Thiếu tá Lê Văn Tuyển bên vợ con. Ảnh: Kim Ly
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tá Lê Văn Tuyển, cán bộ Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Cục Chính trị Quân khu 2, đang đóng quân tại Oudomxay (Lào) vô cùng hạnh phúc khi nhận được những lời chúc mừng và tình yêu thương từ gia đình nơi quê nhà xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường).
Với nhiệm vụ tìm kiếm và hồi hương hài cốt những chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh tại 6 tỉnh Bắc Lào, Thiếu tá Lê Văn Tuyển thường xuyên phải vắng nhà, có khi cả nửa năm anh mới về thăm gia đình…
Chị Ngô Thị Vân - vợ Thiếu tá Tuyển chia sẻ: “Mặc dù đã biết yêu và làm vợ lính là có nhiều thiệt thòi, nhất là sự xa cách tình cảm nhưng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng những khi một mình chăm sóc bố mẹ già, con nhỏ ốm đau nằm viện hay hằng đêm nằm ru con ngủ; rồi sau mỗi trang giáo án, mỗi bài soạn cho học sinh, nỗi nhớ chồng càng trở nên da diết...
Tuy vậy, tôi vẫn luôn tự hào khi được làm vợ anh - người lính kiên trung của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây chính là động lực, là sức mạnh để tôi luôn làm tốt vai trò hậu phương của mình”.
Thấu hiểu những khó khăn của vợ, Thiếu tá Lê Văn Tuyển luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và quan tâm chu đáo đến gia đình. Dù khoảng cách giữa hai vợ chồng là hai quốc gia nhưng tình yêu của họ vẫn vẹn nguyên qua những cuộc gọi, tin nhắn điện thoại. Trong những ngày nghỉ phép, anh dành nhiều thời gian để chăm sóc vợ con và san sẻ gánh nặng gia đình mà bấy lâu vợ anh một mình gánh vác.
Chị Vân thì chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho chồng, nấu những món ăn anh thích, may cho anh bộ quần áo mới, cùng anh làm mọi việc... Chị cũng thương chồng đến thắt lòng khi thấy anh phải mất đến nửa thời gian nghỉ phép mới làm quen được với con, để rồi đến lúc trở lại đơn vị cũng là lúc con quen hơi, cứ níu chân bố.
Thiếu tá Tuyển cho biết: “Vợ luôn là điểm tựa, là người bạn đồng hành chia sẻ khó khăn với tôi, thay tôi gánh vác mọi trọng trách trong gia đình và luôn một lòng sắt son chung thủy, nuôi dạy con nhỏ, chăm sóc cha mẹ già. Vì thế, tôi không chỉ yêu thương, trân trọng mà còn biết ơn vợ rất nhiều".
Câu chuyện của vợ chồng Thiếu tá Phạm Văn Vinh - y sĩ quân y Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang và bác sĩ Phạm Thị Thu Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Định (Yên Lạc) cũng là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương và sự hy sinh.
Anh Vinh sinh năm 1976 tại thị trấn Yên Lạc và tham gia nghĩa vụ quân sự khi tròn 19 tuổi, sau đó, trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Chị Hương sinh năm 1980 tại tỉnh Nam Định. Anh chị quen và yêu nhau khi cùng học lớp y sĩ trung học của Học viện Quân y. Tình yêu ấy được đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị vào năm 2006. Sau khi kết hôn, chị Hương chuyển về công tác tại Trạm Y tế xã Bình Định.
Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế Bình Định (Yên Lạc) thay chồng nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi.
Những năm mới lấy nhau, cuộc sống với bao khó khăn, vất vả, đồng lương bộ đội biên phòng của anh Vinh chỉ đủ tiền tàu xe về thăm nhà, vì vậy, ngoài công việc tại trạm y tế, chị Hương phải làm thêm để nuôi con và có thêm vài đồng gói ghém vào ba lô cho chồng khi trở lại đơn vị.
Chị Hương không thể quên cảm giác bồn chồn, nhói lòng những khi để hai con nhỏ ở nhà không ai trông trong những đêm phải trực tại trạm. Rồi khi con ốm đau, bố mẹ hai bên trái gió trở trời hay khi lặng lẽ một mình trong ngày lễ, Tết... Lúc ấy, nước mắt cứ trào ra bởi thương con, thương chồng, thương bố mẹ già và thương cả bản thân mình.
Tuy vậy, chị Hương vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ y tế cơ sở và tích cực tham gia các khóa học nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Vất vả là vậy nhưng chị Hương luôn nở nụ cười động viên chồng yên tâm công tác.
Còn anh Vinh, dù đang trong cơn sốt rét rừng vẫn dặn vợ không cần lo lắng. Cứ thế, tình yêu của anh chị tiếp tục được xây dựng bởi lý tưởng phụng sự Tổ quốc và sự hy sinh thầm lặng. Trân trọng, biết ơn sự tảo tần, hy sinh của chị Hương cho gia đình, anh Vinh luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đất nước, nhân dân giao phó. Hai con của anh chị cũng luôn chăm ngoan, học giỏi, xứng đáng với sự nhọc nhằn của mẹ, sự cống hiến của cha.
Chị Hương cho biết: "Hơn 20 năm yêu và làm vợ lính là bấy nhiêu năm tôi phải một mình đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng tôi luôn tâm niệm mình phải vững vàng, vượt lên tất cả để xứng đáng với sự hy sinh, gian khổ của chồng và đồng đội nơi biên cương xa xôi, gian khổ. Những thành tích anh lập được chính là động lực để tôi vượt qua khó khăn, chăm lo gia đình hạnh phúc”.
Chị Vân, chị Hương và những người vợ lính khác đều hiểu rằng khi yêu và làm vợ lính thì tình yêu của họ không chỉ là sự gắn bó trong cuộc sống gia đình mà còn là tình yêu, sự cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước.
Nếu như những người lính đang âm thầm cống hiến và bảo vệ đất nước thì vợ lính - những người phụ nữ bình dị đã dùng tình yêu, sự hy sinh thầm lặng để góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Minh Hường