Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đưa cây, con giống mới vào chăn nuôi, trồng trọt, đến nay, trên địa bàn huyện Sông Lô đã hình thành nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Với mong muốn tiếp cận các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hạn chế dịch bệnh, năm 2017, gia đình chị Chu Thị Mai, xã Tân Lập mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, liên kết với doanh nghiệp nuôi gà gia công.
Trên tổng diện tích hơn 2 ha, gia đình chị Mai xây 2 dãy chuồng nuôi khép kín, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại như máng ăn, uống tự động, hệ thống làm mát, điện chiếu sáng… Nhờ đó, mỗi năm, gia đình chị nuôi được 3 lứa với gần 16 nghìn con/lứa, thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Chia sẻ về những kết quả đạt được, chị Mai cho biết: Liên kết chăn nuôi gà gia công có nhiều lợi ích bởi hộ dân được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi; chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cung cấp đầy đủ các loại vắc xin phòng, chống dịch bệnh theo định kỳ. Đặc biệt, công ty sẽ bao tiêu đầu ra, người chăn nuôi không chịu tác động bởi giá cả thị trường. Nhờ đó, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Hội Nông dân huyện Sông Lô hiện có 20 nghìn hội viên. Cùng với gia đình chị Mai, trên địa bàn huyện có hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Tiêu biểu như anh Trần Duy Đoan, thôn Hồng Sinh, xã Nhân Đạo. Với niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 2021, anh Đoan tiên phong đổi mới, xây dựng mô hình nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm ngay trên mảnh đất quê nhà. Nhờ chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây giống mới vào sản xuất, nông trại nho sạch của anh Đoan ngày càng mở rộng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức những chùm nho trĩu nặng, ngon, ngọt.
Tiên phong đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nông trại nho sạch của anh Trần Duy Đoan, xã Nhân Đạo thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Hiện nay, với tổng diện tích gần 5 ha, gia đình anh đang trồng gần 4.000 gốc nho hạ đen, nho sữa; diện tích còn lại trồng dưa lưới, dâu tây và xây dựng khu vui chơi, trải nghiệm. Nhờ đó, mỗi năm, nông trại thu hút hàng nghìn du khách, thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân huyện Sông Lô thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; hướng dẫn nông dân thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời phối hợp với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, góp phần tích cực vào chương trình tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.
Giai đoạn 2022 - 2024, Hội Nông dân phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa 16 sản phẩm như đá mỹ nghệ xã Hải Lựu, ổi xã Đôn Nhân, thanh long ruột đỏ xã Tân Lập, mây tre đan xã Cao Phong, các loại thảo dược xã Quang Yên, nho xã Nhân Đạo, Đức Bác… lên sàn thương mại điện tử. Qua đó không chỉ quảng bá thương hiệu, hình ảnh của địa phương mà còn thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường cho các hộ, doanh nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, Hội phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại phân bón Phú Điền cung ứng gần 100 tấn phân bón các loại cho nông dân. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình chính sách vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2024, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã giúp đỡ được 20 hộ về ngày công lao động, vốn, cây, con giống để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn huyện Sông Lô không còn hộ nông dân nghèo, Hội Nông dân huyện Sông Lô đã và đang tăng cường phối hợp với các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hóa nông dân"; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân.
Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông huyện vận động, hỗ trợ nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao...
Bài, ảnh: Hồng Tính