Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng thời tiết hanh khô có thể tiếp tục kéo dài, do vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao. Để chủ động các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa số vụ cháy rừng, đảm bảo hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND tỉnh đã có Công văn số 9262 về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2024.
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố có rừng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24h trong mùa khô hanh; chỉ đạo thực hiện phương châm 4 tại chỗ “lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy” và 5 sẵn sàng “lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy, thông tin” nhằm chủ động, sẵn sàng ứng cứu kịp thời các vụ cháy rừng khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn.
Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã và chủ rừng trên địa bàn khu vực giáp ranh với các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ và thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tăng cường tính chủ động trong công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có rừng và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra. Đặc biệt, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy đối với các vụ cháy rừng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa.
Các chủ rừng là tổ chức Nhà nước có trách nhiệm tăng cường thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật đối với diện tích rừng và đất rừng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy hoạch, giao quản lý; tổ chức tăng cường kiểm tra, canh gác lửa rừng, đảm bảo trực 24/24h trong các ngày có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; chủ rừng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra cháy rừng thuộc phạm vi địa bàn quản lý.
Thúy Nga