Thực hiện Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Cán bộ Sở Tư pháp làm tốt công tác thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Trường Khanh
Để chuẩn bị cho quá trình thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tham gia rà soát, góp ý đối với các dự thảo nghị định, quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật này.
Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều nội dung mới, bao quát, liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, phương thức giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông…
Vì vậy, trong quá trình xây dựng các nghị định, quyết định hướng dẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần phải rà soát đầy đủ các nội dung, hoàn thiện để khi được ban hành, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đáp ứng tốt nhất cho công tác quản lý đối với từng lĩnh vực, khắc phục tính cục bộ, không đồng nhất trong xây dựng văn bản pháp luật.
Trong quá trình rà soát, lấy ý kiến tham gia góp ý đối với các dự thảo nghị định, quyết định, các đơn vị có liên quan đã báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng có thẩm quyền theo phân cấp quản lý về những định hướng nội dung; quan điểm và nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Đảng. Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc giám sát, góp ý, phản biện xã hội, tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định…
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, người có liên quan đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện đúng nguyên tắc, quy định; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy, tổ chức Đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tự kiểm tra và chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo.
Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý. Chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức Đảng cấp trên nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng theo phân cấp quản lý về định hướng nội dung; quan điểm và nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Đảng; vấn đề quan trọng liên quan đến chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy, quyền và nghĩa vụ của số đông người lao động và nhân dân trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Nâng cao hiệu quả giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội; phát huy vai trò của báo chí, nhân dân đối với việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng chính sách pháp luật luôn được các cấp ủy, tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, hiệu quả, kịp thời phát hiện, nhận diện, ngăn chặn và tiến tới góp phần đẩy lùi tham nhũng.
Kim Hiền