Mặc dù dinh dưỡng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh gai cột sống nhưng một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp nâng cao sức đề kháng và cải thiện sức khỏe xương khớp, hỗ trợ quá trình phục hồi cho người bệnh.1. Tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với người bệnh gai cột sống
Gai cột sống là tình trạng hình thành các mấu xương nhỏ ở các đốt sống gây đau nhức, tê bì chân tay hoặc hạn chế vận động.
Mặc dù không chữa khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh gai cột sống có thể kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh, giảm thiểu các cơn đau khó chịu nhờ vào các phương pháp điều trị thích hợp. Điều quan trọng là cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và duy trì một lối sống lành mạnh, trong đó có chế độ dinh dưỡng.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện tình trạng gai cột sống. Một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học sẽ giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và cải thiện sức khỏe xương khớp. Các dưỡng chất như canxi, vitamin D, vitamin K giúp xương chắc khỏe, giảm nguy cơ loãng xương, hỗ trợ quá trình phục hồi sụn khớp.
Nhiều thực phẩm có tác dụng chống viêm, giảm đau nhức và sưng tấy ở các khớp. Chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại bệnh tật tốt hơn.
Bổ sung thực phẩm giàu canxi giúp xương cột sống khỏe mạnh hơn.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh gai cột sống
Để cải thiện sức khỏe xương khớp và giảm triệu chứng đau nhức, ngoài ăn uống đủ chất, người bệnh gai cột sống cần chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng sau:
Canxi
Canxi là thành phần chính của xương, giúp xương chắc khỏe. Thiếu canxi sẽ khiến xương yếu, dễ bị tổn thương hơn. Bổ sung canxi đầy đủ sẽ giúp xương cột sống khỏe mạnh hơn, hỗ trợ quá trình tái tạo xương, xương bị tổn thương phục hồi nhanh hơn. Đồng thời giảm các triệu chứng đau nhức do gai cột sống gây ra.
Người bệnh có thể bổ sung canxi qua các thực phẩm như: Sữa và các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh đậm, hải sản, đậu nành…
Vitamin D
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thức ăn, chuyển hóa canxi thành dạng có thể sử dụng để xây dựng và duy trì xương. Vitamin D cũng có tác dụng chống viêm, giúp giảm các triệu chứng đau nhức do gai cột sống gây ra.
Ngoài biện pháp tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để thúc đẩy cơ thể sản sinh vitamin D, người bệnh gai cột sống nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D như: cá béo (cá hồi, cá ngừ), trứng gà, sữa, nấm...
Vitamin K
Để xương chắc khỏe, cần sự kết hợp hài hòa giữa canxi và vitamin K. Canxi là thành phần chính cấu tạo nên xương, còn vitamin K đóng vai trò như một chất keo giúp gắn kết canxi vào xương.
Nguồn cung cấp vitamin K trong thực phẩm bao gồm: các loại rau lá xanh, thực phẩm, trứng, thịt…
Vitamin C
Collagen là một loại protein cấu tạo nên các mô liên kết trong cơ thể, bao gồm cả sụn khớp, gân, dây chằng và da. Collagen giúp duy trì sự đàn hồi, chắc khỏe của các mô này, hỗ trợ cho các khớp và giảm thiểu ma sát.
Bổ sung đầy đủ vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình sản sinh collagen, giúp các mô liên kết khỏe mạnh. Vitamin C cũng giúp vết thương mau lành, đặc biệt là các tổn thương ở các mô liên kết.
Nguồn cung cấp vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam quýt, ớt chuông, bông cải xanh, quả mọng…
Magie
Magie có tác dụng chống viêm, giảm sưng viêm ở các khớp, thư giãn cơ bắp, giảm co thắt cơ, từ đó làm giảm các cơn đau nhức do gai cột sống gây ra.
Magie tham gia vào quá trình truyền dẫn thần kinh, giúp cải thiện chức năng thần kinh và giảm cảm giác tê bì, châm chích. Bổ sung magie cũng giúp người bệnh ngủ ngon hơn, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Các thực phẩm giàu magie bao gồm: rau lá xanh đậm, các loại hạt, các loại đậu…
Omega-3
Omega-3 là một loại acid béo không bão hòa đa, có vai trò quan trọng trong việc giảm viêm và bảo vệ các khớp. Omega-3 có tác dụng chống viêm mạnh, giúp giảm các phản ứng viêm gây đau nhức ở các khớp.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung omega-3 giúp giảm đáng kể các cơn đau do viêm khớp và thoái hóa khớp và cải thiện độ linh hoạt của các khớp, giúp người bệnh dễ dàng vận động hơn.
Nguồn cung cấp omega-3 có trong các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, cá cơm…); các loại hạt như hạt chia, hạt lanh, quả óc chó, quả bơ…
Cá béo giàu omega-3 có tác dụng chống viêm tốt cho người bệnh gai cột sống.
3. Lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh gai cột sống
Đa dạng thực phẩm: Nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để cơ thể được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Ưu tiên các loại thực phẩm tươi sống, chế biến đơn giản để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng.
Hạn chế tối đa thực phẩm gây viêm: Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, rượu bia, thực phẩm nhiều đường, chất béo bão hòa có thể làm tăng tình trạng viêm, gây đau nhức.
Chế độ ăn nhiều đường tinh luyện làm suy yếu sự phát triển của xương. Uống nước ngọt có gas chứa phosphate và chất tạo màu đã được chứng minh là gây trở ngại cho quá trình chuyển hóa canxi. Uống nhiều rượu cũng làm thay đổi quá trình hình thành và tái tạo xương, cản trở sự cân bằng canxi, đồng thời có thể làm tăng nồng độ cortisol dẫn đến gãy xương.
Uống đủ nước: Uống đủ nước rất quan trọng đối với người bệnh gai cột sống vì nó giúp đào thải các độc tố, duy trì độ ẩm cho các khớp, hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
Nước giúp bôi trơn các khớp, giảm ma sát, từ đó làm giảm đau nhức và tăng cường sự linh hoạt của cột sống. Nước giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng đến các tế bào, bao gồm cả các tế bào sụn và xương, giúp chúng được nuôi dưỡng và phục hồi.
Lượng nước cần thiết cho mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng, độ tuổi, mức độ hoạt động, khí hậu... Tuy nhiên, trung bình, một người trưởng thành cần uống khoảng 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
Dương Chung (Theo suckhoedoisong.vn)