Tận dụng lợi thế, tiềm năng, chính quyền thành phố Phúc Yên tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, từng bước đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Từ đó góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khẳng định điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn đối với du khách.
Chương trình Festival Đại Lải năm 2024 diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc thu hút đông đảo du khách đến với thành phố Phúc Yên. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, trong đó có hồ Đại Lải với diện tích gần 500 ha mặt nước; gần 1.500 ha diện tích rừng tự nhiên cùng hơn 100 di tích lịch sử văn hóa như đền thờ Ngô Tướng Công, đình Đạm Xuyên, Chiến khu Cách mạng xã Ngọc Thanh..., nhiều năm nay, thành phố Phúc Yên được biết đến là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của tỉnh và cả nước với nhiều dự án trong quy hoạch đã và đang được đầu tư, khai thác có hiệu quả như Flamingo Đại Lải Resort, Sân golf Đại Lải, Đảo Ngọc Resort, Khu nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái Thanh Xuân…
Xác định phát triển dịch vụ du lịch tương xứng với tiềm năng sẵn có, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố trong thời gian gần, các cấp chính quyền thành phố Phúc Yên đã chủ động xây dựng chương trình, đề án phát triển du lịch, dịch vụ ngắn và dài hạn; ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Đồng thời xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù nhằm tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận như các tour tuyến kết nối với Khu danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Tam Đảo, Khu du lịch quốc gia đền Hùng (Phú Thọ), Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Thái Nguyên)… nhằm tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú thực hiện công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự và giữ gìn vệ sinh môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh, tạo sức hút với du khách trong và ngoài nước.
Thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện du lịch như phố đi bộ Lala Town Đại Lải Resort, show ca nhạc Foresrt in the Sky tại Flamingo Đại Lải... gắn với đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ưu tiên dành quỹ đất để phát triển các dự án phục vụ thương mại, du lịch lớn như khu đô thị du lịch dịch vụ hồ Lập Đinh với tổng diện tích hơn 500 ha; tổ hợp khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sân golf và dịch vụ vui chơi giải trí diện tích hơn 600 ha, khu du lịch Bắc Ngọc Thanh; khu nghỉ dưỡng cao cấp phía Tây hồ Đại Lải; khu du lịch Hang Dơi...
Đặc biệt, trong 2 ngày 25 và 26/10 vừa qua, trên mặt nước hồ Đại Lải, chương trình Festival Đại Lải năm 2024 diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch, tăng sức hút với du khách đến với thành phố Phúc Yên như chương trình biểu diễn nhạc nước, biểu diễn nghệ thuật “Vũ khúc thiên nhiên”; chương trình ẩm thực độc đáo; giới thiệu nhiều tour du lịch đến các địa điểm như chùa Bảo Sơn, đền Ngô Tướng Công, đình Ngọc Quang, chùa Thanh Cao…
Đây là chương trình có sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố nói riêng, trong tỉnh nói chung nhằm khẳng định tiềm năng, khát vọng vươn lên, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 20 doanh nghiệp, gần 1.200 hộ kinh doanh lưu trú, ăn uống với hơn 2.500 phòng lưu trú. 9 tháng năm 2024, Phúc Yên đã đón khoảng 40 nghìn lượt khách du lịch, tổng giá trị doanh thu thương mại - dịch vụ đạt 5.130 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Ước hết năm 2024, lượng khách du lịch đến với Phúc Yên đạt 1,5 triệu người, doanh thu đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023.
Dự báo giai đoạn 2025 - 2030, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố Phúc Yên đạt từ 1,5 - 2,5 triệu người; số lượng phòng lưu trú tăng thêm khoảng 500 phòng, doanh thu tăng 20%/năm.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình quảng bá phát triển du lịch, dịch vụ, sản phẩm du lịch mới...
Ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông để hình thành các tuyến giao thông kết nối, phục vụ du lịch từ Đại Lải đến các khu du lịch trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia các hoạt động đầu tư, khai thác, tạo nguồn thu cho người dân và ngân sách địa phương trên lĩnh vực dịch vụ, du lịch.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa, văn minh tại các khu du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và ý thức cộng đồng địa phương về phát triển du lịch.
Qua đó, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành dịch vụ quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác trên địa bàn thành phố; từng bước hướng tới thành phố du lịch hấp dẫn, hiện đại, đẳng cấp trong tương lai gần.
Ngọc Lan