Qua trình diễn sản xuất tại Khoái Châu, giống nghệ N8 sinh trưởng khỏe, rất ít bị sâu bệnh hại, tăng thêm 15% giá trị thu nhập so với đối chứng.
Lên núi trồng nghệ
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ Sản xuất nghệ Đại Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, được Trung tâm Tài nguyên Thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, năm 2024, HTX đưa vào trồng giống nghệ N8, đạt hiệu quả sản xuất rất cao.
Ruộng trồng giống nghệ N8 của bà Hoàng Thị Nhượng (HTX Thương mại Dịch vụ Sản xuất nghệ Đại Hưng) lúc cây ở thời kỳ sinh trưởng, phát triển.
Theo tính toán, trên diện tích mô hình 3ha trồng giống nghệ N8, HTX thu được khoảng 93 tấn củ tươi, tương đương năng suất đạt trên 1.100kg/sào (360m2). Do trồng giống mới, ít bị sâu bệnh hại, năng suất, chất lượng cao nên mới đầu vụ thu hoạch, các hộ trồng nghệ N8 đã được thương lái đến "mua vo" với giá 12,3 triệu đồng/sào, cao hơn đối chứng (trồng giống nghệ cũ của địa phương) từ 1,25 – 1,85 triệu đồng/sào hay 35 - 50 triệu đồng/ha (tuỳ từng ruộng).
Bà Hoàng Thị Nhượng và các hộ tham gia mô hình của HTX có chung nhận xét, giống nghệ mới này bên cạnh cho năng suất cao còn có nhiều ưu điểm như cây sinh trưởng khoẻ, gần như không bị nhiễm bệnh thối thân, thối củ, các củ nhánh (để nghiền lọc lấy tinh bột) cũng to và đều hơn. Riêng bà Nhượng nhờ chăm sóc tốt hơn nên được thương lái đến mua với giá nhỉnh hơn 12,5 triệu đồng/sào cho toàn bộ 1ha nghệ N8.
Ông Nguyễn Bá Cường ở xã Chi Tân (huyện Khoái Châu) cho hay, năm 2023, xã ông cũng được Trung tâm Tài nguyên Thực vật trình diễn mô hình sản xuất 3ha giống nghệ N8, thu nhập tuy không bằng năm nay (do mặt bằng thị trường chung) nhưng giá trị thu hoạch vẫn cao hơn đối chứng từ 10 - 15%.
Theo ông Cường, Chí Tân có truyền thống trồng nghệ hàng hoá từ những năm 1980 nhưng từ đó đến nay các hộ chỉ trồng bằng giống địa phương, tự để lưu cữu kế tiếp năm liên tục nên giống bị thoái hoá, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác. Đặc biệt tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh thối thân rất cao khiến nhiều ruộng bị chết tới 20% diện tích. "Kết quả trồng nghệ N8 năm 2023 tôi cũng tăng cao được giá trị thu nhập khoảng 15% so với đối chứng trồng các giống nghệ cũ", ông Cường tiết lộ.
TS Lê Thị Loan (Trung tâm Tài nguyên Thực vật) thông tin, giống nghệ vàng ở Khoái Châu bị thoái hoá cơ bản do nhà nông thâm canh quá cao, lạm dụng nhiều loại phân bón hoá học, làm giảm khả năng chống chịu của cây trồng, phát sinh nhiều sâu bệnh, phải dùng nhiều hoá chất bảo vệ thực vật.
Vì vậy với giống nghệ mới N8, bà con cần luân canh hợp lý với cây trồng khác họ gừng; bón cân đối đạm, lân, kali, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh. Nếu không áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật này, sau một số năm trồng thâm canh cao, giống nghệ N8 cũng khó tránh khỏi bị thoái hoá, giảm năng suất, chất lượng.
Bà Trần Thị Hải Hà, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khoái Châu đánh giá, giống nghệ N8 đã chứng minh được khả năng thích ứng tốt với đồng đất địa phương, cho năng suất, chất lượng củ đạt cao, nhất là khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh gây hại.
Vì vậy những xã trồng nghệ trọng điểm trong huyện nên bổ sung giống nghệ N8 vào cơ cấu mùa vụ để tăng năng suất, tạo sự đa dạng sinh học trên đồng ruộng để giảm nguy cơ sâu bệnh phát sinh thành dịch hại. "Rất mong các nhà khoa học định kỳ phục tráng giống hoặc chuyển giao các tiến bộ mới về giống, quy trình chế biến và thâm canh cây nghệ cho nhà nông", bà Hà nói.
Theo TS Lê Thị Loan, giống nghệ N8 do Trung tâm Tài nguyên Thực vật chọn lọc trong các năm 2014 - 2017 từ tập đoàn giống nghệ trồng tại Hưng Yên, được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công bố năm 2023.
Đây là giống trồng hàng năm, có thời gian sinh trưởng từ 280 - 300 ngày (tùy điều kiện canh tác), cây sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết nóng, hạn và sâu bệnh hại như rầy xanh, thối cây, thối củ. Năng suất củ cao (26 - 33 tấn/ha), ruột củ có màu đỏ, chất lượng tốt, hàm lượng Curcumin đạt trên 5%, tinh dầu trên 2,5%.
Hương Hoài (Theo nongnghiep.vn)