Dịp cuối năm được xem là cao điểm sản xuất tại các cơ sở, hộ làm nghề truyền thống do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, các làng nghề truyền thống với những sản phẩm đặc trưng còn mang đến nét đẹp văn hóa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Các hộ làng nghề trồng hoa, cây cảnh xã Đức Bác (Sông Lô) tích cực chăm sóc cây, hoa chuẩn bị xuất bán trong vụ Tết Nguyên đán sắp tới.
Về làng hoa, cây cảnh xã Đức Bác (Sông Lô) những ngày này, không khí sản xuất náo nhiệt đang dần trở lại. Năm nay, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão vào cuối tháng 9 vừa qua đã khiến hơn 10 ha trồng hoa của xã bị thiệt hại lên tới hơn 26 tỷ đồng do ngập úng; số hoa, cây cảnh còn lại cũng bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển.
Trước nhu cầu chơi hoa, cây cảnh của người dân trong dịp Tết tăng cao, là cơ hội kinh doanh tốt nhất trong năm, khắc phục những khó khăn, thiệt hại ban đầu, ngay từ sáng sớm, các hộ dân làng nghề đã có mặt trên các cánh đồng, tất bật với công việc chăm sóc ruộng hoa để chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trên diện tích hơn 1 ha trồng hoa, cây cảnh, anh Bùi Đăng Khoa, thôn Khoái Trung cùng 2 lao động thời vụ tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống đồng để bón phân, tỉa cành, tưới nước, chăm sóc các loại hoa kịp nở, xuất bán trong vụ Tết.
Theo chia sẻ của anh Khoa, ảnh hưởng hoàn lưu sau bão số 3 khiến gia đình anh thiệt hại khoảng 400 triệu đồng do bị ngập úng, trong đó có nhiều loại cây hoa trồng dài ngày mới được xuất bán như mai tứ quý, hoa hồng, mẫu đơn, hoa mộc, tùng la hán….
Để các loại hoa kịp nở, xuất bán dịp Tết, ngoài duy trì việc chăm sóc thường xuyên như nhổ cỏ, tưới cây, vun xới..., anh còn bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho các loại cây, hoa nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển.
"Dù đã tích cực chăm sóc nhưng với tình hình trời nắng kéo dài nhiều ngày như hiện nay, gia đình dự kiến sẽ chỉ xuất bán ra thị trường được khoảng 300 gốc hồng cổ và 500 gốc hoa trà, giảm đến một nửa so với năm ngoái” - anh Khoa cho biết.
Toàn xã Đức Bác hiện có hơn 300 hộ trồng hoa, cây cảnh với tổng diện tích hơn 40 ha; trong đó diện tích thuộc khu vực làng nghề là 27,5 ha. Đến nay, con số thiệt hại tại các hộ trồng hoa ở địa phương sau bão số 3 đã cao hơn nhiều so với thống kê ban đầu bởi nhiều vườn cây đã và đang tiếp tục bị chết sau khi ngâm nước nhiều ngày.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bác Bùi Mạnh Cường cho biết: "Với đặc thù các loại hoa, cây cảnh chủ yếu cần thời gian sinh trưởng dài ngày, để từng bước khôi phục sản xuất, địa phương đã khuyến khích bà con trồng hoa chuyển sang trồng các loại cây, hoa ngắn ngày để tạo nguồn thu trước mắt; đồng thời phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Lô tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn ưu đãi để tái sản xuất".
Mặc dù nghề làm mộc diễn ra quanh năm, song mỗi khi vào vụ Tết, không khí làm việc tại làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) lại trở nên hối hả hơn. Khắp các con đường trong thị trấn, xe tải tấp nập nối đuôi nhau chở gỗ nguyên liệu về các cơ sở làm nghề.
Anh Nguyễn Hữu Trung, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh mộc mỹ nghệ Hoan Trung chia sẻ: "3 tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm, trang hoàng nhà cửa đón Tết của người dân tăng cao, vì thế các hộ làm nghề tại địa phương cũng tất bật hơn. Để có nguồn hàng phong phú với chất lượng tốt, độ tinh xảo cao phục vụ nhu cầu thị trường, từ tháng 10 âm lịch, các hộ đã thu gom nguyên liệu, tập trung nhân lực để sản xuất. Tuy nhiên, do kinh tế suy thoái, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn nên số lượng đơn hàng năm nay của phần lớn hộ làm nghề giảm mạnh so với mọi năm".
Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống với gần 10 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cùng với các làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng; trồng hoa, cây cảnh xã Đức Bác, thời điểm này, tại các cơ sở sản xuất trong các làng nghề truyền thống như rèn Lý Nhân, gốm Hương Canh… cũng đang hối hả chuẩn bị vào vụ Tết.
Nhờ các chính sách hỗ trợ làng nghề phát huy hiệu quả, đặc biệt là các chương trình khuyến công với việc hỗ trợ các cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường... đã giúp nhiều làng nghề của tỉnh ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra ngày càng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Qua đó duy trì được mức tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng vào việc tạo việc làm cho người dân, chuyển địch cơ cấu kinh tế, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.
Bài, ảnh: Lưu Nhung