Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, được tạo dựng, bồi đắp, duy trì, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác và luôn giữ nguyên giá trị. Nằm trong dòng chảy đó, người dân Vĩnh Phúc luôn phát huy truyền thống tốt đẹp này, dành sự tôn kính, biết ơn các thầy, cô giáo đã cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".
Thầy, cô giáo là người bồi dưỡng tri thức và giáo dục nhân cách cho học sinh. Ảnh: Kim Ly
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… Những câu nói của người xưa đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của người thầy, đồng thời khẳng định truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Truyền thống ấy như một dòng chảy ngầm nuôi dưỡng, làm phong phú, tô đẹp thêm tâm hồn mỗi người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người thầy không chỉ là người truyền đạt tri thức mà còn là người dẫn dắt, giúp học trò nhận thức được những giá trị sống sâu sắc, rèn luyện nhân cách, phẩm hạnh.
Suốt chiều dài lịch sử, người thầy luôn được coi là người truyền lửa, thắp sáng niềm đam mê học tập và sáng tạo trong học trò. Lịch sử giáo dục Việt Nam đã ghi nhận công lao của nhiều bậc thầy tài đức như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu… Đó là những người thầy không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn thấm nhuần đạo lý, luôn tận tụy với nghề, yêu thương học trò, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của đất nước.
Trong xã hội hiện đại, mặc dù công nghệ ngày càng phát triển, phương thức học tập ngày càng đa dạng, nhưng người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc dìu dắt học sinh trên con đường học vấn.
Thầy, cô giáo luôn được học trò và xã hội tôn vinh như những "kỹ sư tâm hồn", miệt mài xây dựng nền tảng tri thức và nhân cách cho các thế hệ học sinh. Họ là những người làm việc không mệt mỏi để trang bị cho học trò hành trang vững chắc, giúp các em có tri thức, kỹ năng sống và phẩm chất đạo đức, sẵn sàng đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tri ân những đóng góp của các thầy, cô giáo, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày này, trên khắp đất nước tổ chức hoạt động tri ân, gặp gỡ, tuyên dương những giáo viên có thành tích xuất sắc. Các trường học tổ chức phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” và nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm tôn vinh các thầy, cô giáo và ghi nhận những cống hiến, đóng góp của ngành Giáo dục.
Các thế hệ học sinh luôn dành sự tôn kính, biết ơn sâu sắc đối với công lao dạy dỗ, dìu dắt của các thầy, cô giáo. Ảnh: Kim Ly
Học sinh bày tỏ lòng biết ơn thầy, cô bằng những bông hoa tươi thắm, những lời chúc tốt đẹp, những món quà ý nghĩa. Nhiều phụ huynh học sinh gửi lời chúc mừng, sự tôn kính, biết ơn thầy, cô giáo đã không quản ngày đêm, miệt mài xây dựng những trang giáo án, những bài giảng hay để các con có hành trang kiến thức bước vào đời.
Vĩnh Phúc là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, người dân luôn coi trọng học vấn và tôn kính các thầy, cô giáo. Từ thế kỷ XVII, Vĩnh Phúc đã có Văn Miếu phủ Tam Đới nay có Văn Miếu tỉnh, để tôn vinh những hiền tài. Đặc biệt, tại xã Sơn Đông (Lập Thạch), đền thờ nhà giáo Đỗ Khắc Chung được xây dựng để ghi nhớ công lao của người đã khai mở con đường khoa cử cho con cháu làng Quan Tử...
Ngày nay, dù xã hội phát triển và có nhiều đổi thay, nhưng truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn được phát huy. Hằng năm, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều hoạt động tri ân thầy, cô giáo được tổ chức sôi nổi, nhất là tại các trường học. Học sinh Trường Tiểu học Phạm Công Bình (Yên Lạc) tự làm thiệp chúc mừng thầy, cô giáo; học sinh Trường Tiểu học Đống Đa (Vĩnh Yên) tổ chức chương trình phát thanh măng non “Kính yêu thầy cô”; học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tổ chức hội thi văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tôn vinh thầy, cô… Đặc biệt, cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh với những video clip được xây dựng công phu, bày tỏ tình cảm chân thành và lòng biết ơn sâu sắc đối với các thầy, cô giáo.
Những học sinh trưởng thành, thành đạt cũng luôn hướng về cội nguồn, không quên công lao của thầy, cô khi xưa. Anh Nguyễn Việt Bách, Tổng Giám đốc Công ty BVIC Việt Nam, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đã “tri ân” mái trường, thầy, cô bằng những việc làm thiết thực như chia sẻ kinh nghiệm, hội thảo tại trường, đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài, trao học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó.
Tiến sĩ Lưu Thế Lợi, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tài trợ gần 1 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục tri ân mái trường đã đưa anh đến với thành công.
Hội Cựu Giáo chức huyện Yên Lạc được 168 tập thể, cá nhân gồm cựu học sinh, doanh nghiệp ủng hộ 300 triệu đồng vào Quỹ “Nghĩa tình thầy cô” để có thêm kinh phí giúp hội tổ chức các hoạt động chăm lo cho hội viên...
"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống cao đẹp, là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam cần được bồi đắp và phát huy. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, truyền thống ấy vẫn luôn là ngọn đèn soi sáng, dẫn đường cho tương lai. Khi nhớ về người thầy, chúng ta nhìn lại hành trình trưởng thành và những khát vọng trong cuộc sống của chính mình. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn đẹp mãi theo thời gian, như những đóa hoa thơm ngát trong vườn nhân ái, là ngọn đèn soi sáng con đường học vấn, trưởng thành của các thế hệ mai sau.
Minh Hường