Luật Đường bộ được Quốc hội khóa XV chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đường bộ nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tạo động lực phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh và góp phần thay đổi ý thức trách nhiệm của người dân khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Nguyễn Lượng
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ đã tạo ra nhiều việc làm cho công nhân, người lao động trong và ngoài tỉnh, kéo theo đó là sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện giao thông.
Toàn tỉnh hiện có hơn 87 nghìn xe ô tô, hơn 854 nghìn xe mô tô. Tỉnh có lợi thế về mạng lưới giao thông đa dạng, gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; riêng hệ thống đường bộ có tổng chiều dài hơn 6.850km.
Cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh những năm qua được đầu tư, nâng cấp, xây mới, ngày càng đáp ứng nhu cầu về số lượng người và phương tiện tham gia giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải (GTVT), Sở GTVT chủ động xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện, thành phố về phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương.
Quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn theo quy định; chỉ đạo lực lượng Thanh tra sở thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với trường hợp vi phạm các quy định trong hoạt động vận tải tại bến xe khách, bến phà, bến khách ngang sông, các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường hối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, chính quyền địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng tuyên truyền những điểm mới của Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT); các quy định về bảo đảm TTATGT, quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ.
Đồng thời yêu cầu các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động vận tải bằng xe ô tô ký cam kết chấp hành quy định về điều kiện tham gia hoạt động vận tải; các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh sinh sống dọc theo các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ ủy thác ký cam kết chấp hành quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ, không lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, lề đường, hành lang an toàn đường bộ...
Lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng, hạn chế ùn tắc giao thông tại nút giao đường Lý Thái Tổ với đường Kim Ngọc, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đẩy mạnh tuyên truyền về TTATGT trên mạng xã hội, hạ tầng số và tin nhắn SMS, từ năm 2021 đến nay, Sở GTVT thường xuyên phối hợp với 25 cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong tỉnh tổ chức tuyên truyền về công tác bảo đảm TTATGT; phối hợp tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho hơn 20 nghìn lượt cán bộ, hội viên, đoàn viên, học sinh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức thành lập thí điểm 2 Đội tình nguyện sơ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông…
Với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp cùng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững ổn định. Nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ ngày càng nâng lên.
Thực hiện Quyết định số 1044 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 215 triển khai thi hành Luật Đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Luật Đường bộ gồm 6 chương, 86 điều, quy định về hoạt động đường bộ và quản lý Nhà nước về hoạt động đường bộ với nhiều nội dung mới, bao quát, liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và phương tiện giao thông đường bộ…
Nhằm tạo sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiệu quả; đồng thời nâng cao nhận thức của nhân dân về việc chấp hành Luật Đường bộ, UBND tỉnh giao Sở GTVT chủ trì, xây dựng nội dung tuyên truyền về luật trong phạm vi, chức năng của địa phương; xin ý kiến Bộ GTVT cung cấp tài liệu tuyên truyền Luật Đường bộ để triển khai thực hiện và tuyên truyền trong cơ quan, đơn vị.
Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng tiến độ.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, chính quyền địa phương, trưởng ban, thành viên Ban ATGT các cấp trong việc quán triệt, triển khai nghiêm túc kế hoạch.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đường bộ tại cơ quan, đơn vị, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.
Ngọc Lan