Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2013. Sau 11 năm triển khai đã tạo sự chuyển biến tích cực, nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và môi trường được nâng lên. Qua đó góp phần hạn chế việc gia tăng tỷ lệ người hút thuốc lá, xây dựng môi trường văn minh không khói thuốc. Tuy nhiên, hiện còn một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên vẫn có thói quen hút thuốc lá.
Nhiều khó khăn khi thực hiện
Tại Vĩnh Phúc, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực đến nay, công tác triển khai được thực hiện tương đối đồng bộ, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được coi là nhiệm vụ quan trọng để thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhận thức của người dân về tác hại của khói thuốc đã có sự thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, tỷ lệ người cai thuốc lá tăng.
Còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật đã xuất hiện một số bất cập, như một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất với luật; văn bản không còn phù hợp, như mức xử phạt một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại thuốc lá còn thấp, chưa đủ tính răn đe dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong thanh, thiếu niên, người nghèo; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá còn thấp; quy định về xử lý thuốc lá nhập chưa phù hợp; còn thiếu các quy định liên quan đến sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…
Bên cạnh đó, hiện lực lượng thanh tra mỏng, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh; công tác xử lý vi phạm hành chính ở một số cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa hiệu quả đối với những hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nơi có biển báo cấm hút thuốc. Trong khi đó, các hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, chưa được triển khai toàn quốc.
Công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học mặc dù được triển khai nhưng vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến con em mình, chưa chủ động phối hợp với nhà trường nên khó khăn trong việc giáo dục phòng, chống tác hại thuốc lá cho học sinh. Hầu hết các nơi công cộng chưa có địa điểm dành riêng cho người hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau nên khó khăn cho giáo viên trong quá trình phát hiện. Thuốc lá đang được bày bán tràn lan, mọi nơi và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, kể cả học sinh nên rất khó quản lý…
Những khó khăn này ảnh hưởng lớn tới nỗ lực phòng, chống tác hại thuốc là và là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ làm cho tỷ lệ hút thuốc gia tăng trở lại nếu không tiếp tục có các biện pháp quyết liệt và kịp thời.
Để xã hội không còn khói thuốc
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong phiên chất vấn ngành Y tế tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng: Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế cho Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp đối với những trường hợp bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá trong cơ quan, đơn vị đó; chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hướng giảm nhu cầu sử dụng. Các chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá; tăng diện tích cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo tỷ lệ các nước trong khu vực và trên thế giới đã áp dụng có hiệu quả giảm tỷ lệ hút thuốc lá.
Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức của mỗi người dân.
Nhiều ý kiến đề xuất ngành Y tế cần có cơ chế chi trả cho công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá từ nguồn bảo hiểm y tế; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu hỗ trợ các địa phương kinh phí triển khai mô hình cộng tác viên phòng, chống tác hại thuốc lá.
Triển khai các phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, cảnh báo về tình hình hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá; tăng mức đầu tư từ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá hằng năm và có nội dung, định mức chi cho các hoạt động Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh, hoạt động kiểm tra việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, phụ cấp kiêm nhiệm cho đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.
Trả lời chất vấn liên quan đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, người sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Để hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho người dân nói chung và thanh, thiếu niên nói riêng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá với 9 nhóm nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian vừa qua. Trong các nhóm nhiệm vụ của quỹ, có nhóm nhiệm vụ về thành lập, tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để thiết lập việc hỗ trợ người dân thực hiện cai nghiện thuốc lá.
Về phía Bộ Y tế, bộ đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện thuốc lá. Đó là các bệnh viện trực thuộc Bô Y tế, trong đó có nhiều bệnh viện chuyên khoa có số lượng bệnh nhân lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế…Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 1 trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước về vấn đề này.
Phân tích về những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt là đối với giới trẻ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trình Quốc hội xem xét, trong đó có các quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ