Với việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, trồng bưởi theo quy trình VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hơn 2 tấn bưởi Vĩnh Tường vừa được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, đánh dấu bước tiến mới trong việc nâng tầm thương hiệu “Bưởi Vĩnh Tường - Hương vị đất phủ”. Sự kiện bưởi Vĩnh Tường được xuất khẩu cũng là minh chứng rõ nét về chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh địa phương.
Tận dụng ưu thế vùng đất bãi ven sông Hồng, gia đình anh Trần Bá Mục, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng và chăm sóc cây bưởi giúp mang lại thu nhập cao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Sau 15 năm gắn bó với cây bưởi, vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Phùng Thắng, thôn Hậu Lộc, xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) là nơi có lô bưởi đầu tiên của huyện được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ông Thắng phấn khởi cho biết: “Với chất đất vùng bãi ven sông Hồng, hiếm có loại cây trồng nào phù hợp như cây bưởi. Bưởi được trồng ở địa phương cho chất lượng vượt trội với vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, cùi mỏng và nhiều nước.
Tuy nhiên, để bưởi có đầu ra ổn định cần có vùng sản xuất tập trung, sản phẩm phải được trồng theo quy trình đảm bảo an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc được chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Với việc gia nhập Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường, bên cạnh được hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích trồng bưởi của gia đình tôi được định danh thông qua mã số vùng trồng, đây được coi là tấm “hộ chiếu” để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường quốc tế”.
Gia đình ông Thắng hiện trồng 200 gốc bưởi, thông qua Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hảo (Thái Nguyên), 2.400 quả bưởi của gia đình ông Thắng vừa được xuất khẩu sang thị trường châu Âu với giá thu mua 15.000 đồng/quả, cao gấp 1,5 lần giá thu mua bưởi trên địa bàn huyện thời điểm hiện tại.
Theo ông Phùng Văn Tân, Chủ tịch Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường: “Cây bưởi bắt đầu được trồng trên địa bàn huyện từ khoảng năm 2005, ban đầu chỉ có một số hộ vùng ven đê sông Hồng trồng thay thế cây lương thực hằng năm kém hiệu quả kinh tế. Sau gần 20 năm “bén duyên” với đất Vĩnh Tường, số hộ trồng bưởi tăng dần qua các năm, năng suất và chất lượng bưởi cũng không ngừng được cải thiện nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng bưởi theo quy chuẩn an toàn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân”.
Toàn huyện Vĩnh Tường hiện có hơn 100 ha diện tích trồng bưởi, tập trung tại các xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, Phú Đa... Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường được thành lập năm 2018 với mục tiêu hỗ trợ hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác cây bưởi, hướng dẫn cách bảo quản bưởi sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng vùng sản xuất tập trung, phát triển nhãn hiệu sản phẩm.
Từ 83 hội viên ban đầu với tổng diện tích canh tác khoảng 20 ha, đến nay, số hội viên đã tăng lên 110 người với tổng diện tích canh tác 50 ha.
Năm 2019, bưởi Vĩnh Tường được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu “Bưởi Vĩnh Tường - Hương vị đất Phủ”.
Từ năm 2020 đến nay, nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trong việc chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng, tổng diện tích trồng bưởi được cấp mã số vùng trồng của hội hiện đạt 15,8 ha. Theo đó, diện tích đã được cấp mã số vùng trồng của hội có đủ điều kiện để xuất khẩu với sản lượng trung bình đạt khoảng 8.000 quả/ha.
Theo đánh giá của nhiều hội viên trồng bưởi lâu năm, giá bưởi trong nhiều năm trở lại đây có sự chênh lệch rất lớn, có thời điểm bưởi được thương lái thu mua với giá 30.000 đồng/quả, cũng có thời điểm chỉ còn 5.000 - 10.000 đồng/quả.
Theo Chủ tịch Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường Phùng Văn Tân: “Cây bưởi càng lâu năm lại càng cho quả ngon, nhưng trên thực tế nhiều năm trở lại đây, giá bưởi Vĩnh Tường có xu hướng giảm đáng kể. Hiện nay, tổng diện tích trồng bưởi của hội tuy lớn, song chỉ có 15,8/50 ha được trồng tập trung, tỉ lệ bưởi được dán tem truy xuất nguồn gốc thấp so với sản lượng bưởi bán ra, dẫn đến phần lớn sản phẩm chưa tiếp cận được với doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, cửa hàng sạch…, xa hơn là xuất khẩu.
Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bưởi, nếu không có biện pháp nhận diện thương hiệu, bưởi Vĩnh Tường rất dễ bị lẫn với số đông, người tiêu dùng khó nhận biết để lựa chọn sản phẩm, dẫn đến đầu ra bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái”.
Để bưởi Vĩnh Tường có đầu ra ổn định, việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm thiểu chi phí sản xuất, quảng bá sản phẩm cho nông dân đặc biệt quan trọng.
Với việc xác định bưởi là cây trồng chủ lực của huyện Vĩnh Tường, sự kiện bưởi Vĩnh Tường được xuất khẩu sang châu Âu vừa là động lực, cũng là thách thức đối với chính quyền và người trồng bưởi trong việc xây dựng, duy trì, phát triển thương hiệu, từ đó quảng bá sản phẩm và hình ảnh địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp vào phát triển KT-XH của huyện.
Hoàng Sơn