Hôm nay (12/11), Quốc hội sẽ kết thúc phiên chất vấn sau khi thực hiện chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về những nhóm vấn đề lĩnh vực y tế, thông tin và truyền thông.
Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đối với nhóm vấn đề lĩnh vực y tế.
Theo chương trình, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ kết thúc vào chiều 12/11 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền) báo cáo làm rõ các nội dung liên quan tới các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành chất vấn đối với từng lĩnh vực, đồng thời phát biểu kết thúc phiên chất vấn.
Diễn ra trong 2 ngày từ 11-12/11, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tập trung chất vấn vào 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Trong phiên khai mạc ngày 11/11, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Nội dung chất vấn xoay quanh việc điều hành chính sách tiền tệ; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp…
Tham gia chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt câu hỏi về việc thực hiện Nghị định 31 liên quan đến hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trả lời thẳng thắn, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Trần Văn Tiến đặt ra.
Kết thúc phiên chất vấn đã có 43 ĐBQH chất vấn, 1 đại biểu tranh luận và 11 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi chất vấn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời theo quy định. Đồng thời nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn; các ĐBQH đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị tốt về nội dung, nắm chắc vấn đề, có sự bao quát các chính sách vĩ mô khác, trả lời thẳng vấn đề mà ĐBQH đặt ra.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm.
Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, chủ động, linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát…
Triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...
Sớm có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão, lũ, sạt lở đất, thúc đẩy tín dụng xanh. Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai thuận lợi các chương trình tín dụng ưu đãi.
Thiệu Vũ