Sáng 8/11, tại Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, GS, TS Lê Văn Lợi khẳng định, việc tìm ra những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển báo chí-truyền thông ở nước ta để phù hợp với bối cảnh và điều kiện hiện nay là vấn đề có tính cấp bách.
GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì.
Đây là một hoạt động khoa học có ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh những người làm báo trên cả nước vừa kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024) và trên hành trình hướng tới mốc son lịch sử 100 năm vào năm 2025.
Hội thảo nhằm góp phần cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cho việc xác định quan điểm chỉ đạo, đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam từ nay đến giữa thế kỷ XXI, để báo chí-truyền thông nước nhà phát huy tối đa những thành tựu lịch sử đã đạt được trong gần 100 năm qua, tiếp tục có những đóng góp thiết thực khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng có sự kết tinh sâu sắc giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một vị lãnh tụ, một nhà báo lỗi lạc của nước nhà, của dân tộc.... Đặc biệt, những lời căn dặn, giáo huấn của Người về mục đích hoạt động của báo chí nước nhà, về sứ mệnh vẻ vang của người làm báo và những yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ báo chí vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay và mai sau.
Tại hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi cũng đặt ra vấn đề: báo chí-truyền thông ở nước ta đang đối mặt với nhiều nhiều thử thách, khó khăn xuất phát từ những biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, cũng như bản thân những tồn tại, hạn chế trong nội tại hoạt động của nền báo chí-truyền thông Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học-công nghệ 4.0 với trọng tâm là chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động báo chí- truyền thông, mở ra cơ hội phát triển chưa từng có cho những người làm báo, nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít áp lực, thách thức to lớn nếu các cơ quan báo chí-truyền thông không có tư duy đổi mới, không có sự chuẩn bị thật tốt để bắt kịp xu hướng làm báo của thời đại.
"Do đó, việc tìm ra những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển báo chí-truyền thông ở nước ta để phù hợp với bối cảnh và điều kiện hiện nay là vấn đề có tính cấp bách", GS, TS Lê Văn Lợi khẳng định.
PGS, TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài KX.02.31/21-25 phát biểu đề dẫn tại hội thảo.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS, TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài KX.02.31/21-25 cho biết, sau thời gian tích cực chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm viết bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí-truyền thông, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với nhiều nội dung và góc nhìn phong phú, đa dạng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận 3 nội dung chính:
Thứ nhất, đề xuất các quan điểm chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, định hướng giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông ở Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Thứ ba, đề xuất các kiến nghị khoa học nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.
(Theo Nhandan,vn)