Đứng thứ 2 sau mức tăng trưởng của ngành Công nghiệp - Xây dựng, với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, ngành Dịch vụ đã và đang phát huy lợi thế chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng KT - XH của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với cả nước thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, quy mô GRDP bình quân đầu người có xu hướng tăng nhanh.
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đáng nói, khu vực dịch vụ đóng vai trò then chốt thứ hai trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh với mức tăng trưởng đạt 6,63%/năm giai đoạn 2011- 2020. Trong đó, các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch ngày càng có đóng góp tích cực trong cơ cấu ngành Dịch vụ và xu hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Dịch vụ - thương mại phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng với hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn… bao phủ từ thành phố đến nông thôn, miền núi, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... với phương thức thanh toán qua tài khoản, ví điện tử được người dân sử dụng rộng rãi.
Hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cao qua các năm, tập trung vào các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Hoạt động kinh doanh vận tải kho bãi đã và đang trên đà phục hồi, số đơn vị kinh doanh gia tăng, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống hạ tầng du lịch được đầu tư và từng bước cải thiện, hoạt động du lịch của tỉnh tăng ổn định qua các năm. Dự kiến hết năm 2024, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 31% trong cơ cấu kinh tế, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong định phướng phát triển KT-XH của tỉnh.
Từ lâu nay, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là phương tiện được không ít người dân lựa chọn thay thế cho các phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông nội tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 2 đơn vị tham gia loại hình vận tải này với 111 phương tiện.
Kịp thời triển khai công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này, Sở Giao thông Vận tải thường xuyên chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát và nắm bắt tình hình, nhất là việc tuân thủ hợp đồng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã ký với các đơn vị để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế.
Khảo sát, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân cũng như chấp hành việc phân luồng giao thông để triển khai các dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả “Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, nghiên cứu mở mới thêm các tuyến xe buýt, điểm đón, trả khách; kịp thời dự báo các tình huống có thể phát sinh trong quá trình khai thác, vận hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phạm Tuấn Giang cho biết: Dự báo đến năm 2025, vận chuyển hành khách của tỉnh đạt khoảng 29,4 triệu lượt, tăng trưởng giai đoạn 2020 - 2025 bình quân 2,3%/năm và đến năm 2030 đạt khoảng 33,9 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 2,9%/năm giai đoạn 2025 - 2030.
Trên cơ sở đó, ngành Giao thông vận tải tiếp tục tham mưu UBND tỉnh mở rộng, phát triển mạng lưới tuyến, điểm đón, trả khách gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt. Theo đó, duy trì khai thác các tuyến xe buýt hiện trạng, hình thành mạng lưới hình nan quạt hướng tâm. Đề xuất mở mới 5 tuyến xe buýt ngoại tỉnh và 6 tuyến nội tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tương lai.
Với mục tiêu đưa dịch vụ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tỉnh định hướng phát triển một số lĩnh vực có tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như vận tải kho bãi, logistics, dịch vụ du lịch, thương mại điện tử… trong nội bộ cơ cấu ngành.
Dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đồng thời tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp gồm huy động vốn đầu tư, dịch vụ phụ trợ và nguồn nhân lực. Trong đó, nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia góp vốn đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với từng địa bàn đô thị và nông thôn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân theo khu vực.
Ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích phát triển, ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký để tạo động lực phát triển dịch vụ xuất, nhập khẩu bền vững.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP của tỉnh chiếm khoảng 33-34%; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9 - 9,5%/năm; tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ logistics đạt 18%/năm; thu hút 150 nghìn lượt khách quốc tế, 16 triệu lượt khách nội địa…
Ngọc Lan