Hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển hạ tầng theo hướng xanh, thông minh, tạo quỹ đất sạch để đón làn sóng đầu tư.
Với lợi thế trong phát triển công nghiệp, đến nay, huyện Bình Xuyên đã quy hoạch được 8 khu công nghiệp (KCN) và 4 cụm công nghiệp; đã có 5/8 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khoảng 82,5% với tổng số 335 dự án, trong đó, 299 dự án FDI và 36 dự án DDI.
Lĩnh vực sản xuất chủ yếu của các doanh nghiệp trong các KCN là lắp ráp linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy, may mặc… góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) có hạ tầng và cảnh quan đồng bộ, hiện đại, tạo sức hút với các nhà đầu tư.
Hạ tầng các KCN trên địa bàn huyện Bình Xuyên được xây dựng tương đối đồng bộ, điển hình như KCN Thăng Long Vĩnh Phúc có tổng diện tích 213ha được chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp điện, hạ tầng giao thông nội khu, hệ thống phòng cháy chữa cháy, quản lý an ninh… đồng bộ, hiện đại; hạ tầng cây xanh, thảm cỏ, mặt nước được quy hoạch khoa học tạo không gian thân thiện, góp phần bảo vệ môi trường.
Sau 7 năm đi vào hoạt động, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút được 47 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, trong đó, 29 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 92%.
Cùng với các KCN đã đi vào hoạt động, huyện Bình Xuyên đang phối hợp với các sở, ngành triển khai công tác xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao đất cho chủ đầu tư phục vụ xây dựng hạ tầng công nghiệp.
Điển hình như dự án KCN Sơn Lôi có tổng diện tích được quy hoạch là hơn 276ha, trong đó, đất KCN là hơn 257ha. Đến nay, huyện Bình Xuyên đã tiến hành thu hồi, đền bù, GPMB được hơn 117ha. Đối với diện tích còn lại cần thu hồi, bồi thường, huyện tiếp tục thực hiện rà soát, kiểm đếm, hoàn thiện công tác GPMB và tính toán nhu cầu tái định cư đối với các hộ dân có đất thổ cư nằm trong quy hoạch KCN.
Việc quan tâm phát triển hạ tầng KCN đã góp phần tăng lợi thế trong phát triển công nghiệp cho huyện Bình Xuyên. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng của huyện tăng cao nhất so với các ngành, lĩnh vực khác với tốc độ tăng trưởng ước đạt 18,47%.
Nhằm tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, huyện Yên Lạc đã ưu tiên quỹ đất phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng 3 KCN với tổng diện tích 473 ha và 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích 332,8ha.
Cùng với công tác quy hoạch, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp khẩn trương đầu tư xây dựng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên định hướng phát triển các loại hình sản xuất công nghiệp sạch ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Đồng thời quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh GPMB tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án; đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư.
Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư, từ năm 2021 đến tháng 10/2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập mới 8 KCN với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.300 ha, nâng tổng số KCN lên 17 khu; tổng vốn đầu tư đăng ký mới là hơn 9.400 tỷ đồng và 129,4 triệu USD.
Vốn đăng ký đầu tư của các dự án hạ tầng KCN giai đoạn 2021 - 2025 tăng 2,14 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Toàn tỉnh hiện có 9/17 KCN đã đi vào hoạt động.
Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh, các KCN được xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo ra quỹ đất sạch, có hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ, công trình phúc lợi tương đối đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cơ bản phục vụ thu hút đầu tư.
Nhiều KCN đã chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết hợp với hạ tầng cây xanh và hệ thống xử lý nước thải, khí thải ứng dụng công nghệ tiên tiến. Cơ sở hạ tầng được đầu tư quy mô đã giúp các KCN thu hút nhiều dự án, sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, giải quyết việc làm cho hơn 140 nghìn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH của tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng gắn với tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng KCN theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB, giải quyết tình trạng chậm tiến độ xây dựng; nâng cao chất lượng quy hoạch chi tiết các KCN; tăng cường thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN.
Đồng thời ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng KCN; thực hiện đầu tư phát triển các KCN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Phát triển các KCN mới gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường và các công trình hạ tầng xã hội bao gồm nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa, thể thao và công trình phúc lợi phục vụ người lao động.
Bài, ảnh: Quỳnh Hương