Ngày 25 tháng Mười, theo lịch Nga (tức 7/11/1917 theo Công lịch) cuộc Cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới đã nổ ra và giành thắng lợi hoàn toàn. Nhà nước chuyên chính vô sản ra đời là một sự kiện rung chuyển khắp toàn cầu, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người; kỷ nguyên Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Khi Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra, Nguyễn Tất Thành đã là người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trên đất Pháp với tên mới là Nguyễn Ái Quốc. Người hoạt động chủ yếu trong phong trào công nhân Pháp và những người lao động nghèo khổ ở các nước châu Á, châu Phi, đồng thời vận động, tập hợp những người lao động ở các nước thuộc địa của Pháp đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế và chính trị. Người tranh thủ các diễn đàn như hội họp, viết báo tố cáo, lên án tội ác man rợ của thực dân Pháp đối với nhân dân Đông Dương và ủng hộ chính quyền Xô viết, cách mạng tháng Mười Nga.
Năm 1960, trong bài báo: “Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Tạp chí “Các vấn đề Phương Đông” nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lênin, Người viết “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ cách mạng tháng Mười chỉ là theo cảm tính, tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình, trước đó tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết…”. Bác viết như vậy là chân thực, đúng với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Tuy nhiên với sự nhạy cảm của người hoạt động chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã có những linh cảm rất đặc biệt về Lênin và cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Sự kiện chính trị có tầm quốc tế ấy đã gợi mở con đường đi cho người thanh niên Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng xã hội Pháp, là đảng chính trị cánh tả ở Pháp… Bác lý giải rất chân thành rằng: “Tôi tham gia Đảng xã hội Pháp chẳng qua là vì các vị ấy (đảng viên trong đảng này) đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, Công đoàn là gì, Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản là gì thì tôi chưa hiểu…”. Cũng trong năm 1919, trên đất nước Nga Xô viết, Lênin đã đề xướng và được sự ủng hộ của đông đảo các nhà cách mạng châu Âu, Quốc tế cộng sản (Quốc tế ba) được thành lập. Từ sự kiện này, trong Đảng xã hội Pháp đã có nhiều cuộc tọa đàm, thảo luận sôi nổi về quan điểm có nên tham gia Quốc tế ba hay không? Thật sự may mắn, khi tham gia sinh hoạt ở chi bộ đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã được đọc nguyên văn bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” do Lênin soạn thảo và trình bày tại Đại hội lần thứ hai Quốc tế cộng sản họp từ ngày 19/7 - 7/8/1920. Trong luận cương, Lênin trình bày nêu rõ: “Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới đảm bảo việc chiến thắng chủ nghĩa Tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng…”.
Cũng trong Đại hội lần thứ hai Quốc tế cộng sản, Lênin còn trình bày bản báo cáo “Về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, trong đó Lênin đưa ra nhận định: “Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô viết và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới Chủ nghĩa Cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa…”.
Sau khi đọc, nghiên cứu, trao đổi, tranh luận về những quan điểm của Lênin và Quốc tế ba về vấn đề dân tộc và thuộc địa, cùng với kiến thức thực tiễn đã dẫn đến sự chuyển biến rất quan trọng, có thể nói là quyết định đến nhận thức của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng. Đó là khởi nguyên của sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Cũng xuất phát từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tin tưởng ở Lênin và tại Đại hội Tua của Đảng xã hội Pháp diễn ra tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc Đảng xã hội Pháp gia nhập Quốc tế ba (Quốc tế Cộng sản). Sau đó Nguyễn Ái Quốc còn tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Việt Nam đầu tiên là Đảng viên Đảng Cộng sản và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1921.
Năm 1960, trong bài viết: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng và tôi nói to lên như đang đứng trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Và từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba…”. Cũng trong bài báo trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rõ hơn quá trình hình thành nhận thức về con đường cách mạng giải phóng dân tộc, hành trình tìm ra con đường cứu nước, cứu dân tộc mình, Người viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa Cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi cách nô lệ…”. Và Người còn khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản…”.
Như vậy, phải mất hơn 10 năm hoạt động thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước theo tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.
Đến khi thành lập Đảng 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu khá hoàn chỉnh những luận điểm của Lênin về cách mạng; bởi thế trong bản Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã khẳng định quan điểm của Đảng ta là cách mạng trải qua 2 giai đoạn: Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sẽ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa.
Nhân kỷ niệm 40 năm cách mạng tháng Mười Nga (1917 - 1957) Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo: “Cách mạng tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc Phương Đông”, Người khẳng định: “Thắng lợi của cách mạng tháng Tám ở Việt Nam một lần nữa chứng tỏ tính chất đúng đắn của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tính chất đúng đắn của đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười năm 1917 đã vạch ra…”.
Như vậy, trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc với biết bao gian nan, thử thách, cuối cùng Người đã tìm ra con đường cứu dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân; con đường ấy khởi nguồn từ ảnh hưởng to lớn, quyết định của Lênin và cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đối với việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối cách mạng Việt Nam mà thành công đầu tiên là thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.
Đỗ Việt Trì