Là một trong số những doanh nghiệp (DN) tư nhân sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh, bên cạnh tập trung đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, Công ty TNHH Thương mại Khánh Dư, thôn Đồng Lạc 3, xã Đồng Văn (Yên Lạc) luôn quan tâm, chú trọng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Sau gần 25 năm thành lập và đi vào hoạt động với ngành nghề chính là sản xuất phôi thép và gia công, chế tạo các chi tiết gang thép... cung cấp chủ yếu cho thị trường các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Hải Phòng... đến nay, sản phẩm phôi thép của Công ty TNHH Thương mại Khánh Dư đã có mặt tại các nhà máy luyện, cán thép lớn trong nước như Việt Đức, Việt Úc, Vinakansai... và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.
Công ty TNHH Thương mại Khánh Dư (Yên Lạc) mỗi năm cung cấp ra thị trường 70 - 80 tấn phôi thép, doanh thu đạt từ 150 - 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 70 lao động. Ảnh: Thế Hùng
Từ số vốn đầu tư ban đầu 5 tỷ đồng, đến nay, giá trị tài sản của công ty đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường 70 - 80 nghìn tấn phôi thép, doanh thu đạt từ 150 - 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 70 lao động.
Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, tiết kiệm năng lượng được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào và hạ giá thành sản phẩm.
Với đặc thù là doanh nghiệp sản xuất phôi thép quy mô lớn nên lượng điện tiêu thụ trong quá trình vận hành máy móc của công ty cao. Để tiết kiệm năng lượng, Công ty TNHH Thương mại Khánh Dư chủ động áp dụng các giải pháp, cải tiến và đầu tư hệ thống thiết bị, công nghệ mới để sử dụng hiệu quả năng lượng và tiết kiệm chi phí, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nguồn năng lượng tiêu thụ chủ yếu phục vụ sản xuất hiện nay tại đơn vị gồm điện năng (chiếm tỷ trọng tiêu thụ lớn, được cung cấp từ lưới điện quốc gia, qua máy biến áp rồi phân chia đến các tủ điện nội bộ); dầu diesel để vận hành hệ thống xe nâng, máy cẩu; gas phục vụ cắt phôi và các mảnh phế liệu lớn thành các kích thước phù hợp. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất hàng chục nghìn tấn sắt, thép phế liệu sản xuất phôi thép với lượng điện tiêu thụ bình quân từ 40 - 50 triệu kWh.
Để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng tiêu thụ và tiết giảm chi phí đầu vào, công ty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp quản lý nội vi (các biện pháp quản lý thích hợp nhằm ngăn ngừa thất thoát nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng), vận hành thiết bị hợp lý và thay đổi thói quen người sử dụng. Từ đó giúp công ty tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mỗi năm cho chi phí điện năng.
Chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức, kiến thức về tiết kiệm năng lượng cho người lao động. Phân công cán bộ kiêm nhiệm, phụ trách việc theo dõi, quản lý vận hành các thiết bị tiêu thụ năng lượng và giám sát, ghi chép dữ liệu tiêu thụ năng lượng, các điều chỉnh định mức tiêu hao năng lượng.
Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng định kỳ máy móc, trang thiết bị, lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng từng thiết bị, công nghệ trong hệ thống dây chuyền, nhà xưởng; cắt cử, phân công nhiệm vụ cho bộ phận chuyên trách bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo máy móc, thiết bị hoạt động hiệu suất cao nhất.
Để giảm chi phí cho các thiết bị chiếu sáng, công ty sử dụng và bố trí hợp lý hệ thống bóng đèn led, compact với nhiều loại công suất thay thế các bóng đèn huỳnh quang tại khu vực xưởng sản xuất và văn phòng. Tắt bớt các thiết bị chiếu sáng tại khu vực lối đi khi không có nhân viên làm việc; tận dụng ánh sáng tự nhiên tại khu vực kho chứa, khu vực văn phòng bằng việc lắp đặt các tấm lấy ánh sáng ngoài trời. Dán bảng nội quy, quy định về tiết kiệm năng lượng, dán nhãn tiết kiệm điện tại nhiều vị trí dễ quan sát (cửa ra vào, vị trí công tắc điện...).
Công ty đã xây dựng, phân bổ kế hoạch khung, lịch sản xuất linh hoạt, hạn chế vận hành các thiết bị tiêu thụ điện năng công suất lớn vào các giờ cao điểm, tránh thời gian chạy không tải các thiết bị năng lượng và huy động tối đa các thiết bị làm việc vào giờ thấp điểm trong ngày nhằm giảm chi phí, tổn thất về điện năng.
Áp dụng hàng loạt các giải pháp kỹ thuật để cải thiện điều kiện làm việc của các thiết bị, máy móc như thay thế các động cơ làm việc non tải; sử dụng bộ khởi động mềm hoặc trở kháng để giảm dòng điện khởi động, lắp biến tần cho các động cơ công suất lớn; sử dụng rơle kỹ thuật số tự động để ngắt và điều chỉnh giờ hoạt động cho các thiết bị chiếu sáng tùy theo từng mùa...
Việt Sơn