Nhằm giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương, ngành Giáo dục đã quan tâm thực hiện linh hoạt môn Giáo dục địa phương (GDĐP); tích hợp vào các môn học, hoạt động ngoại khóa… Qua đó giúp học sinh thêm hiểu biết lịch sử dân tộc; bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử tốt đẹp.
Giáo viên Trường THPT Bình Sơn (Sông Lô) chủ động, linh hoạt đưa nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, GDĐP là môn học bắt buộc. Hiện, về cơ bản tài liệu của môn GDĐP đã hoàn thiện. Nội dung phản ánh những đặc trưng về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử, con người Vĩnh Phúc; giáo dục truyền thống cách mạng qua các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử tiêu biểu, một số di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh…
Trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu GDĐP của tỉnh, đồng chí Vũ Thị Mùi, chuyên viên Sở GDĐT cho biết: "Mục tiêu lớn nhất của GDĐP là giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa, lịch sử Vĩnh Phúc, vì vậy, ngay khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Sở GDĐT đã xây dựng khung chương trình và tổ chức biên soạn bộ tài liệu GDĐP.
Ban biên soạn đã nỗ lực, sáng tạo trong việc xây dựng nội dung tài liệu GDĐP đảm bảo chính xác, khoa học, mang tính giáo dục cao…".
Đối với cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và trong dạy các môn học ở từng khối lớp gắn với văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội.
Trường Tiểu học Đống Đa (Vĩnh Yên) đã triển khai linh hoạt nội dung môn học theo từng khối lớp; chỉ đạo giáo viên tổ chức dạy học theo hướng tích hợp để phát huy tính tích cực, phẩm chất, năng lực của học sinh.
Nhà trường tổ chức hoạt động “Hướng về nguồn”; hoạt động ngoại khóa, các phần thi hỏi - đáp trong các tiết học, buổi sinh hoạt; tổ chức tham quan tại các di tích lịch sử... giúp học sinh thêm yêu quê hương, đất nước; góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.
Học sinh Trường Tiểu học Đống Đa (Vĩnh Yên) tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Dương Chung
Được tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương qua môn học GDĐP, em Trần Thùy Dung chia sẻ: “Em rất thích học môn GDĐP. Qua các chủ đề của môn học, em hiểu rõ về phong tục tập quán, lễ hội, một số nhân vật lịch sử, danh lam thắng cảnh; các nét đặc trưng về văn hóa, con người Vĩnh Phúc… Môn học GDĐP giúp em thêm yêu đất nước, yêu con người và tự hào về truyền thống của quê hương".
Để môn GDĐP được giảng dạy hiệu quả, Trường THPT Bình Sơn (Sông Lô) đã xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí giáo viên các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý… tham gia giảng dạy; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn để tiếp cận chương trình.
Theo quy định của Chương trình GDPT 2018, nội dung GDĐP được thực hiện giảng dạy 35 tiết/năm học; phân theo từng chủ đề cụ thể, làm căn cứ giúp giáo viên, học sinh được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức về lịch sử, văn hóa, đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cô Vũ Thị Hằng, giáo viên môn Lịch sử, phụ trách giảng dạy môn GDĐP, Trường THPT Bình Sơn cho biết: “Tài liệu GDĐP hay và hấp dẫn, nêu bật được những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử của tỉnh.
Để bài học thêm hấp dẫn, tôi dành thời gian nghiên cứu tài liệu GDĐP và vận dụng vào thực tế; sử dụng tranh ảnh, đồ vật trực quan, khai thác tiện ích của công nghệ số để trình chiếu video, clip về chủ đề nội dung bài học; đồng thời tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa; trải nghiệm thực tế tại một số địa điểm có trong chương trình học như tháp Bình Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, làng nghề đá Hải Lựu… giúp học sinh mở rộng kiến thức thực tế, bồi dưỡng lòng tự hào về quê hương Vĩnh Phúc".
Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Sở GDĐT chỉ đạo các trường học tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các buổi tập huấn, soạn bài giảng về môn GDĐP theo yêu cầu; chủ động phân công giáo viên giảng dạy môn GDĐP; áp dụng linh hoạt đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy và học (sân khấu hóa môn học, trải nghiệm vẽ tranh, thi hùng biện…); sưu tầm hình ảnh, video và những tư liệu; đưa học sinh đi thực tế, trải nghiệm tại các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống...
UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện truyền dạy trực tiếp điệu hát Trống quân Đức Bác tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã Đức Bác (Sông Lô), giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, học sinh được các nghệ nhân và giáo viên âm nhạc truyền dạy làn điệu Trống quân ngay trên lớp học; các câu lạc bộ hát Trống quân trên địa bàn xã Đức Bác phối hợp với một số trường THPT trên địa bàn huyện Sông Lô tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật hát Trống quân…
Qua đó góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt; góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Minh Thu