Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, anh Lương Văn Cường (sinh năm 1987), thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo từng có 10 năm đi làm với nhiều ngành nghề, trong đó có nhân viên ngân hàng với mức lương ổn định. Tuy nhiên, từ bỏ công việc nhiều người mơ ước, anh Cường quyết định trở về quê mở xưởng sản xuất đồ nội thất. Thành công đã đến với anh - một thanh niên dám nghĩ, dám làm và có sự quyết tâm cao khi công việc ngày càng thuận lợi với doanh thu, quy mô sản xuất có sự tăng trưởng đều sau 5 năm.
Phát huy lợi thế sản xuất
Anh Lương Văn Cường hướng dẫn công nhân lắp đặt, hoàn thiện sản phẩm.
Đến thôn Đồng Cà, chúng tôi nhận thấy, trái với khung cảnh thanh bình ở một vùng quê nông thôn huyện miền núi, bên trong Cơ sở nội thất salon Cường Thảo lại rất sôi động, tấp nập. Những tiếng máy may, máy cắt, máy dán hay tiếng dập ghim trong các công đoạn sản xuất tạo nên thứ âm thanh đặc trưng, quen thuộc ở các làng nghề thủ công.
Trong xưởng có hàng chục công nhân đang chăm chú làm việc. Đa số họ đều là những lao động trẻ và có thu nhập bình quân từ 6 - 17 triệu đồng/người/tháng tùy thuộc vào tay nghề, trình độ.
Những công nhân có tay nghề cao nhận mức lương từ 500.000 -700.000 đồng/ngày.
Theo anh Cường, xưởng sản xuất của gia đình anh mới hình thành cách đây 5 năm. Khi đó, quy mô còn khá nhỏ, với 5-7 công nhân, nhưng đến nay được mở rộng gấp nhiều lần với 25-30 công nhân.
Từ một vài mẫu mã đơn điệu, đến nay Cơ sở nội thất salon Cường Thảo có hàng trăm sản phẩm phục vụ các gia đình, salon tóc - nail - mi - spa như vách, kệ ti vi, tủ quần áo, tủ bếp, giường ngủ, tủ quần áo, bàn trang điểm, bàn gội, bàn mát xa, ghế cắt tóc, ghế làm móng, xích đu, bàn ghế ngoài trời…
Theo ghi nhận, các sản phẩm nội thất ở cơ sở Cường Thảo có mẫu mã đẹp, bắt mắt với giá thành rẻ hơn nhiều so với thị trường. Có lẽ đây là điểm mạnh giúp cơ sở có sự bứt phá ngoạn mục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại đây liên tục có những chuyến xe tải ra, vào bốc xếp hàng hóa và vận chuyển đi khắp nơi ở trong và ngoài tỉnh. Không ít những chuyến hàng anh Cường phải giao xuyên đêm theo yêu cầu để khách hàng kịp khai trương nhà, cửa hàng mới.
Chia sẻ về quá trình lập nghiệp của mình, anh Cường cho biết: “Trong quá trình đi làm thuê cho doanh nghiệp, tôi nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của một số làng nghề nội thất ở các huyện Thạch Thất, Đông Anh (Hà Nội) nên mạnh dạn tiếp cận, học hỏi và mở xưởng sản xuất.
Làm nghề ở quê tôi thấy có nhiều lợi thế như lực lượng nhân công dồi dào, chi phí lao động rẻ, có mặt bằng sản xuất thuận lợi giúp giảm thiểu chi phí đầu ra cho sản phẩm, tạo cơ hội cạnh tranh trên thị trường.
Mặc dù bản thân tôi không giỏi nghề sản xuất nội thất (do mới vào nghề) nhưng tôi lại có đội ngũ thợ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm nên tự hào khi có những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp với chi phí hợp lý và được thị trường đón nhận”.
Cơ sở có hàng trăm mẫu mã sản phẩm nội thất phục vụ các gia đình, cửa hàng kinh doanh dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ.
Nắm bắt cơ hội kinh doanh
Mặc dù là thanh niên dân tộc Sán Dìu, ở khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi nhưng anh Cường lại khá sành công nghệ. Anh đã kịp thời nắm bắt sức mạnh của thời đại công nghệ số và phát huy sở trường kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Chính điều này giúp khách hàng biết nhiều hơn đến các sản phẩm nội thất Cường Thảo để đặt hàng “tận gốc”, người kinh doanh cũng có cơ hội bán sản phẩm “tận ngọn” và từng bước mở rộng thị trường.
Hệ thống thiết bị máy móc hiện đại tại xưởng được Trung tâm Phát triển công thương hỗ trợ kinh phí đầu tư.
Hiện nay, doanh thu của cơ sở sản xuất nội thất Cường Thảo đạt khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Việc kinh doanh ngày càng phát triển đòi hỏi chủ cơ sở phải có những tính toán phù hợp để đẩy mạnh sản xuất.
Anh Cường cho biết thêm: “Thời gian tới, tôi dự định tiếp tục mở rộng xưởng sản xuất, quy mô hơn 1.000m2; tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho các lao động tại địa phương.
Hiện nay, cơ sở đang tuyển dụng thêm một số vị trí việc làm như nhân viên bán hàng online tại xưởng nhằm tăng cường quảng cáo, marketing sản phẩm trên facebook, tiktok và các sàn thương mại điện tử để nâng cao doanh số bán hàng”.
Được sự quan tâm của Trung tâm Phát triển công thương (Sở Công thương), Cơ sở nội thất salon Cường Thảo đã được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến gồm dàn máy dán, máy cắt trị giá hơn 500 triệu đồng.
Hệ thống thiết bị sau khi đưa vào sử dụng đã tạo ra những sản phẩm mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và sự cạnh tranh trên thị trường.
Với tinh thần khởi nghiệp, sự năng động và dám nghĩ, dám làm, chàng trai Lương Văn Cường đã biến mơ ước của mình thành hiện thực. Những bước đi đầu tiên thận trọng, vững chắc làm điểm tựa giúp Cơ sở nội thất salon Cường Thảo bứt phá, thành công sau 5 năm.
Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, anh Lương Văn Cường còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Bài, ảnh: Hà Trần