Với tư duy đổi mới, nhạy bén thị trường, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa cây trồng giống mới cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất trên vùng đất khó canh tác. Qua đó xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, đem lại thu nhập cao trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Cánh đồng Sen ở xã Hợp Thịnh (Tam Dương) những ngày tháng 10 được phủ kín bằng những cây trồng mới đang cho thu hoạch. Ai cũng sẽ nhận thấy những gương mặt rạng ngời, nụ cười tươi của người nông dân khi cây trồng được mùa, được giá.
Mô hình trồng rau màu theo phương thức luân canh gối vụ của gia đình chị Vương Thị Bằng ở xã Hợp Thịnh (Tam Dương) cho hiệu quả kinh tế cao.
Đang nhanh tay thu hoạch dưa gang bán cho Công ty TNHH Đức Cường để xuất khẩu ra nước ngoài, chị Dương Thị Dung cho biết: Năm 2016, gia đình thuê 15 ha đất ở khu vực đồng Sen để trồng cây nhàu bán cho các công ty dược liệu nhưng cây không phù hợp với chất đất nên sinh trưởng kém.
Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình đã chuyển sang trồng 5 ha cây dưa gang - đây là cây trồng mới tại địa phương.
Để cây dưa gang đem lại hiệu quả kinh tế cần làm luống cao để dễ thoát nước; sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Cây có thời gian sinh trưởng ngắn từ 55 - 60 ngày, một năm có thể trồng từ 2-3 vụ. Loại cây này dễ chăm sóc, chống chịu sâu bệnh tốt, chi phí đầu tư ít, năng suất đạt từ 2 - 2,5 tấn quả/sào, với giá bán hiện nay khoảng 3.000 đồng/kg, cho thu nhập 6 - 7,5 triệu đồng/sào, gấp 2,5 lần so với cây lúa.
Mô hình trồng dưa gang đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, luân canh tăng vụ, tăng thu nhập cho hộ nông dân.
Với tư duy đổi mới, nhạy bén thị trường, chị Vương Thị Bằng, xã Hợp Thịnh đã biến vùng đất khó canh tác thành những cánh đồng rau màu cho thu nhập cao, tạo việc làm cho 10 lao động.
Chị Bằng cho biết: Quê chị ở huyện Mê Linh - nơi được coi là vựa hoa, rau, củ, quả lớn của Hà Nội. Thế nhưng, do quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp nên vợ chồng chị đã tìm về cánh đồng Sen của xã Hợp Thịnh thu gom, thuê 10 mẫu đất với tổng số tiền 100 triệu đồng/năm để trồng các loại rau, củ, quả theo mùa.
Để tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, gia đình chị đã áp dụng phương thức luân canh gối vụ giữa các cây trồng như mướp đắng, cải đông dư, cải chíp, dưa chuột; đầu tư hệ thống tưới phun sương giúp cây trồng hấp thụ nước, chất dinh dưỡng một cách dễ dàng nên diện tích rau, củ, quả luôn sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.
100% sản lượng rau, củ, quả được bán cho các thương lái ở huyện Mê Linh, với giá bán 18.000 đồng/kg cải chíp đầu vụ; 3.000 đồng/kg cải đông dư; 10.000-12.000 đồng/kg dưa chuột. Riêng mướp đắng có giá 17.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cuối năm ngoái. Mỗi năm, vợ chồng chị thu lãi từ 300-450 triệu đồng.
Để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác trước thực trạng diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm do phát triển đô thị và công nghiệp, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất theo vùng tập trung quy mô lớn.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh hỗ trợ hơn 2.600 tấn lúa giống chất lượng cao cho người dân đưa vào sản xuất; quy hoạch 1.840 ha trồng rau, củ, quả theo quy trình VietGAP.
Riêng năm 2023, ngành Nông nghiệp đã thực hiện hướng dẫn các địa phương chuyển đổi gần 1.300 ha diện tích trồng lúa bấp bênh, không chủ động nước, năng suất thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Đến nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng và chất lượng cao của tỉnh đạt 77% tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP; các cây trồng có giá trị kinh tế cao như bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa các loại được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả có quy mô lớn, chất lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh; mô hình sản xuất rau, quả theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đang phát triển trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân 3,5%/năm; 9 tháng năm 2024 ước tăng 2,14%.
Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác năm 2023 đạt 150 triệu đồng/ha, tăng 3,5% so với năm 2020... góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Mai Liên