Để hoạt động hiệu quả trong quá trình hội nhập, việc các hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh liên kết, hợp tác thành lập Liên hiệp HTX nhằm tập trung đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh là xu hướng tất yếu của khu vực kinh tế tập thể hiện nay.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Tam Dương) hoạt động hiệu quả. Ảnh: Chu Kiều
Thực tế chứng minh, việc liên kết, hợp tác sẽ giúp quá trình sản xuất giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm đầu ra và sản xuất sẽ gắn với thị trường tiêu thụ.
Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số Liên hiệp HTX hoạt động đa dạng, phong phú, tạo sự gắn kết giữa các HTX thành viên.
Theo quy định, Liên hiệp HTX phải có tối thiểu 4 HTX thành viên trở lên nhằm hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đây cũng là mô hình cao nhất của kinh tế tập thể.
Toàn tỉnh hiện có 260 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong 26 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Nhiều sản phẩm của các HTX đã trở thành sản phẩm mũi nhọn, phát triển thành sản phẩm OCOP đặc trưng của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, quy mô của một số chuỗi liên kết vẫn nhỏ lẻ, khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các HTX hiện nay là cần xây dựng các mô hình Liên hiệp HTX chuyên đề để nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng chủ lực.
Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Liên hiệp HTX Gai Xanh, phường Định Trung (Vĩnh Yên) đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường nông sản và phát huy thế mạnh của từng HTX thành viên, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Ông Võ Đăng Tiến, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ thương mại Tiến Mai, thành viên sáng lập Liên hiệp HTX Gai Xanh cho biết: Qua tìm hiểu thực tế tại các tỉnh, thành phố trong nước, Ban Giám đốc HTX nhận thấy cây gai xanh có khả năng sinh trưởng tốt và cho năng suất, giá trị kinh tế cao.
Vì vậy, đầu năm 2021, HTX đã đưa giống cây này về trồng thử nghiệm trên đồng đất Vĩnh Phúc. Trong quá trình thử nghiệm, cây gai xanh dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm, chỉ cần trồng một lần nhưng có thể cho khai thác tối đa lên đến 10 năm liền.
Sau thu hoạch, gốc cây sẽ tự tái sinh mầm và cho thu hoạch tiếp. Giống cây này cho thu hoạch từ 4 - 6 vụ/năm nhưng lại ít bị sâu bọ phá hoại nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi đó các bộ phận còn lại của cây có thể tận thu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Riêng vỏ cây sau khi được bóc tách có thể làm nguyên liệu cho ngành dệt may, lá có thể dùng làm bánh gai, lõi thân cây làm phân bón hữu cơ và đặc biệt phần củ có thể dùng làm dược liệu.
Với 3ha trồng cây gai xanh đã mang lại triển vọng phát triển kinh tế cho HTX Sản xuất và Dịch vụ thương mại Tiến Mai, tuy nhiên với quy mô nhỏ lẻ thì không thể tiếp cận các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm này.
Vì vậy, thời điểm cuối năm 2021 là dấu mốc quan trọng bởi sự ra đời của Liên hiệp HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Liên hiệp HTX Gai Xanh thành lập với 4 HTX thành viên đều là các đơn vị đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đóng vai trò chủ lực là HTX Sản xuất và Dịch vụ thương mại Tiến Mai, còn lại các HTX Nông nghiệp Bản Long, HTX Nông nghiệp Đại Lải, HTX Rau an toàn Hưng Thịnh là các đơn vị vệ tinh.
Các HTX thành viên đã cùng góp 5 tỷ đồng để liên kết trồng cây gai xanh trên quy mô lớn, hiện diện tích cây gai xanh của Liên hiệp HTX đã đạt 18ha, phân bố chủ yếu ở huyện Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên.
Để bao tiêu sản phẩm cho người dân, Liên hiệp HTX đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn An Phước (Viramie) - Đây là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam có mô hình khép kín phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh và sản xuất sợi gai.
Người dân khi tham gia vào quy trình này sẽ nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, Liên hiệp HTX từ khâu canh tác đến thu hoạnh, bao tiêu sản phẩm trong 10 năm liên tiếp.
Chỉ cần có đất canh tác, bỏ sức lao động, thời gian đầu, người dân sẽ được tạm ứng giống đảm bảo chất lượng theo hình thức trả chậm trong năm đầu tiên. Bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, tiền giống sẽ được trừ dần qua sản phẩm thu mua của các hộ dân.
Cùng với đó, Liên hiệp HTX sẽ trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, canh tác để cây gai xanh có thể sinh trưởng, cho năng suất tốt nhất.
Với giá thành hiện nay, sau khi trừ các loại chi phí, bình quân mỗi ha cây gai xanh sẽ cho thu lãi 200 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với một số cây trồng khác.
Mô hình trồng cây gai xanh đem lại giá trị kinh tế cao đã và đang khẳng định hiệu quả của việc liên kết, hợp tác giữa các HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp.
Hướng tới sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi giá trị, Liên minh HTX tỉnh chủ động khảo sát, lựa chọn mô hình HTX có đủ tiềm lực, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để vận động, hướng dẫn thành lập Liên hiệp HTX.
Thường xuyên tổ chức cho cán bộ quản lý HTX đi học tập, tìm hiểu mô hình Liên hiệp HTX đang hoạt động hiệu quả tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; đảm bảo khi tổ chức thành lập và đi vào hoạt động phải thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho thành viên.
Thành An