Cuốn sách “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều bài viết, bài phát biểu nói về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc, trong đó khẳng định “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”… Tư tưởng này đã khái quát bài học kinh nghiệm lịch sử của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước, giữ nước và tiếp tục được kế thừa, phát huy trong giai đoạn hiện nay.
Suốt chiều dài lịch sử nhiều năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã tích lũy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc.
Người dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên (Sông Lô) luôn gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong đời sống hiện đại. Ảnh: Kim Ly
Văn hóa là cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Việt Nam - một đất nước đất không rộng, người không đông, kinh tế còn nhiều khó khăn, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, địch họa, song với tinh thần “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” của một dân tộc “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, nhân dân ta đã giành những thắng lợi vẻ vang trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, trước mọi âm mưu đồng hóa về văn hóa, bảo vệ vững chắc bờ cõi, biên cương của Tổ quốc.
Văn hóa thể hiện bản sắc, cốt cách, khí phách của con người Việt Nam, là những giá trị bền vững và tinh hoa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống (trích trong sách “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phải coi văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, là “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.
Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới: Yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…
Đây là những giá trị tốt đẹp, tiêu biểu, cốt lõi, được kế thừa và phát triển từ truyền thống dân tộc, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh qua các kỳ đại hội của Đảng.
Thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Minh Quang (Tam Đảo) truyền dạy những điệu hát truyền thống của dân tộc Sán Dìu cho thế hệ trẻ. Ảnh: Kim Ly
Thực hiện những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tỉnh quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Các di sản văn hóa phi vật thể, phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, các loại hình diễn xướng nghệ thuật, làn điệu dân ca, dân vũ được gìn giữ, phát huy.
Các nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tỉnh hỗ trợ kinh phí để gìn giữ, truyền dạy di sản văn hóa dân tộc. Các hiện vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của tỉnh được sưu tầm, bảo tồn, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Các thiết chế Văn Miếu tỉnh, Bảo tàng tỉnh góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý chí, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ.
Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phản ánh sinh động thực tiễn cuộc sống với tinh thần sáng tạo và đổi mới, hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
Các giá trị đạo đức trong gia đình truyền thống được coi trọng. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước được biểu dương, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đứng trước những thời cơ và thách thức mới trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Đảng, Nhà nước, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Bạch Nga