Tối 2/11, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, năm 2024.
Tới dự có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh tham dự ngày hội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao Bằng khen tặng 8 đoàn nghệ thuật tham gia ngày hội.
Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI có sự tham gia của 8 tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Lạng Sơn, được tổ chức trong 3 ngày (2 - 4/11).
Đoàn Vĩnh Phúc tham dự ngày hội có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn, lãnh đạo Sở VH-TT&DL, đại diện các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở và Đoàn Nghệ thuật Vĩnh Phúc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn tham dự ngày hội.
Tại lễ khai mạc ngày hội diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Đông Bắc – Tự hào và tỏa sáng”. Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng gồm 3 chương: “Sắc màu Đông Bắc”, “Đông Bắc – Bản trường ca quang vinh”, “Đông Bắc – Tự hào và tỏa sáng” với sự tham gia của 120 diễn viên chuyên nghiệp, 250 diễn viên quần chúng và khoảng 200 nghệ nhân tại các địa phương.
Các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống đấu tranh anh dũng, hào hùng của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Đông Bắc, các thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Trong các ngày 3, 4/11, ngày hội tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc; các hoạt động thi đấu kéo co, đẩy gậy, tung còn, đi cà kheo; Hội thảo khoa học với chủ đề “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - khơi nguồn và phát triển”…
Chương trình của Đoàn Nghệ thuật Vĩnh Phúc tham gia ngày hội gồm các nội dung chính: Trình diễn nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Sán Dìu; trưng bày, giới thiệu ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Vĩnh Phúc; chương trình nghệ thuật tổng hợp (Hát Soọng cô, độc tấu kèn Dao, hát Sình ca, múa Cùng nhau lên nương, hát dân ca); trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc Cao Lan, Sán Dìu, Dao quần chẹt; trưng bày biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục, tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ của các dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Dìu... trên địa bàn tỉnh.
Quy tụ gần 50 nghệ nhân, diễn viên… tham dự, chương trình tham gia ngày hội của tỉnh Vĩnh Phúc được chuẩn bị chu đáo, có nội dung đặc sắc, hình thức phong phú, phù hợp và tính nghệ thuật cao, nhiều nét mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân trên cơ sở chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật khai mạc ngày hội với chủ đề “Đông Bắc – Tự hào và tỏa sáng” được dàn dựng công phu, hoành tráng.
Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc là sự kiện văn hóa quy mô lớn nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; giới thiệu những tiềm năng về VH-TT&DL, phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đông Bắc nhằm góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương.
Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước; góp phần quảng bá văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, tạo điểm nhấn trên bản đồ văn hóa toàn cầu với những đặc điểm riêng biệt.
Tin, ảnh: Bạch Nga