Tường bong tróc, rêu mốc; mái hư hỏng, hoen gỉ; trần nhà bị nứt, thấm dột ở hầu hết các phòng… là thực trạng diễn ra nhiều năm nay tại Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Vì vậy, cơ sở y tế này cần sớm được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo được xây dựng từ năm 1991 với kết cấu bê tông cốt thép, tường gạch, 2 tầng với 9 phòng chức năng. Đến năm 1994, trạm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Năm 2014, trạm được sửa chữa lại một phần và hoạt động từ đó cho đến nay.
Hiện Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo có 6 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, Trạm Y tế thị trấn còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng là xử lý ban đầu các tình huống liên quan đến sức khỏe cho du khách khi tham quan, nghĩ dưỡng tại thị trấn Tam Đảo.
Theo quan sát thực tế của chúng tôi, ngay từ hình thức bên ngoài, Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo đã lạc lõng so với kiến trúc, cảnh quan xung quanh bởi vẻ bề ngoài rêu mốc, hoen gỉ, gây mất mỹ quan cho thị trấn du lịch - điểm đến hàng đầu thế giới.
Bước vào bên trong, mùi ẩm mốc bốc lên ở hầu hết các phòng, không khí rất ngột ngạt, một số phòng do tình trạng thấm dột, ẩm mốc nặng, hư hỏng cửa đã không còn sử dụng được nữa.
Bác sĩ Lăng Ngọc Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo chia sẻ: "Với khí hậu có độ ẩm không khí cao, nhất là vào mùa Đông, hầu hết các công trình xây dựng trên địa bàn thị trấn đều có tuổi thọ thấp hơn với các công trình tương đương dưới xuôi.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua, tình trạng xuống cấp của Trạm Y tế thị trấn càng trầm trọng hơn, trong thời điểm mưa bão, cán bộ, bác sĩ của trạm phải sơ tán đi địa điểm khác để đảm bảo an toàn".
Trạm đã báo cáo lên chính quyền địa phương và Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng thực tế của đơn vị. Tại biên bản kiểm tra của Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo đã ghi nhận:
Thời điểm kiểm tra hệ thống mái nhà bị hư hỏng, nước mưa chảy vào bên trong mái nhà, thấm dột xuống trần nhà, tường nhà tại tầng 2. Tại tầng 1, các phòng đều bị thấm dột, trần và tường ẩm mốc, rêu xanh, một số phòng vẫn có hiện tượng chảy nước xuống sàn, tường.
Hành lang tầng 2 sườn phía Đông Bắc xuất hiện vết nứt chạy ngang sát sàn tầng 2 lan can xuống phòng giao ban dưới tầng 1, khiến tình trạng thấm dột ngày càng tăng, vết nứt đang có xu hướng mở rộng hơn.
Cửa sổ nhôm kính tầng 2 bị vỡ hỏng, nền gạch bị phồng rộp, gãy vỡ tại nhiều vị trí. Phía Đông Bắc của Trạm Y tế là khe suối thoát nước của thị trấn Tam Đảo, khi có mưa lớn, khe suối không thoát kịp thường xuyên chảy ngấm vào nền nhà tại khu vực bếp ăn, gây nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản.
Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo cho biết: "Tình trạng xuống cấp của Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo đã diễn ra nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và du khách; gây mất mỹ quan đô thị, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Trước thực trạng trên, tháng 6/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo với chủ trương xây mới công trình để nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo kiến trúc cảnh quan xứng tầm với vị thế của Khu du lịch quốc gia - điểm đến hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, đề án chưa được triển khai. Trước mắt để giải quyết tình trạng xuống cấp của Trạm Y tế, trung tâm đang nghiên cứu, bố trí nguồn kinh phí để lắp đặt mái che phía trên trạm ngăn ngừa tình trạng thấm dột khi có mưa; sơn sửa lại các vị trí rêu mốc, thấm dột.
Cùng với đó, báo cáo cấp trên kiểm tra, đánh giá thực tế hiện trạng của trạm, trường hợp không đảm bảo an toàn và các điều kiện thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì xem xét có phương án bố trí địa điểm khác phù hợp để hoạt động trong thời gian chờ triển khai Đề án phát triển Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo đã được tỉnh phê duyệt".
Dưới đây là một số hình ảnh xuống cấp của Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo do phóng viên Báo Vĩnh Phúc ghi lại:
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh