Được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Dữ liệu là dự thảo luật quan trọng nhằm đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, phục vụ quản lý Nhà nước, ứng dụng trong phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc đã có những đánh giá, kiến nghị để hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chặt chẽ, phù hợp, hiệu quả.
Đại biểu Trần Văn Tiến góp ý kiến xây dựng các dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, nhận định về sự cần thiết cũng như hồ sơ của dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng: Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, hiện tại cơ sở dữ liệu nước ta đang tản mạn tại nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, hiện có 177 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Dữ liệu, trong đó có 69 luật quy định về cơ sở dữ liệu…
Do vậy, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu lần này còn để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về dữ liệu. Đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác, phát triển dữ liệu, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu.
Đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị quy định tại khoản 1 Điều 34 về quy định thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cần phải xem lại và sắp xếp để dễ hiểu, bảo đảm tính logic khi nghiên cứu và thực hiện.
Bên cạnh đó, dự thảo luật lần này cũng có quy định phát triển Trung tâm Dữ liệu quốc gia tại Chương 4. Theo đại biểu Trần Văn Tiến, cơ quan soạn thảo cần làm rõ trung tâm này thuộc cơ quan nào quản lý? Tổ chức bộ máy và hoạt động của trung tâm như thế nào?
Liên quan đến câu từ trong dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị nên đổi tên Điều 15 từ “Chiến lược dữ liệu” thành “Chiến lược dữ liệu quốc gia” để đảm bảo phù hợp; đổi tên Chương 6 từ “Tổ chức thực hiện” thành “Quản lý Nhà nước và trách nhiệm quản lý Nhà nước về dữ liệu”, bởi đây là dự án luật, không nên quy định về tổ chức thực hiện mà phải quy định về quản lý Nhà nước và trách nhiệm quản lý Nhà nước về dữ liệu.
“Cùng với đó, Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện quản trị dữ liệu bảo đảm minh bạch và bảo vệ quyền, lợi ích của chủ dữ liệu đang được đề cập tại khoản 4 Điều 16. Và giải thích bổ sung hoạt động về dữ liệu gồm những hoạt động nào; thế nào là chủ quản dữ liệu, chủ thể dữ liệu và chủ sở hữu dữ liệu… để đảm bảo dễ hiểu, khả thi khi áp dụng vào thực tiễn” - đại biểu Trần Văn Tiến kiến nghị.
Thiệu Vũ