Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn tăng cao dịp cuối năm, thời điểm này, nhiều hộ, chủ trang trại chăn nuôi lợn đã chủ động tái đàn hoặc tăng đàn, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi...
Người chăn nuôi chủ động phun khử khuẩn chuồng trại, phòng chống phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh trên đàn lợn. (Ảnh chụp tại thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc). Ảnh: Thế Hùng
Những ngày đầu tháng 10, giá thịt lợn hơi được các thương lái thu mua dao động từ 66-68 nghìn đồng/kg. Giá lợn hơi duy trì ở mức cao khiến người chăn nuôi phấn khởi vì có lãi.
Với quy mô chuồng nuôi 100 con lợn thịt, chị Chu Thị Hồng, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường) cho biết: "Hơn nửa năm nay, giá lợn hơi tăng cao, với mức xuất bán đạt hơn 60 nghìn đồng/kg cùng với giá cám giảm liên tục nhiều tháng qua đã tiếp sức cho các hộ nuôi lợn mở rộng quy mô đàn sau thời gian "chạm đáy" cuối năm 2023. Với giá bán thịt hơi như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, người chăn nuôi có thể thu lãi hơn 2 triệu đồng/con lợn".
Giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung tăng liên tiếp trong nhiều tháng qua là do nguồn cung sụt giảm, bởi sau một thời gian dài giá lợn hơi xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ không mặn mà tái đàn, thậm chí ngừng chăn nuôi.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước khiến số lượng lớn lợn buộc phải tiêu hủy. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của bão số 3 và lũ lụt ở một số tỉnh phía Bắc đã làm ngập sâu nhiều chuồng trại nuôi lợn của các hộ, trang trại.
Tại tỉnh ta, 9 tháng năm 2024, mặc dù bão số 3 và mưa lũ đã gây ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa, một số loại cây trồng và thiệt hại một phần diện tích nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, song, do sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền, các hộ chăn nuôi di dời kịp thời, nên về cơ bản, thiệt hại trong chăn nuôi lợn không lớn.
Các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn để bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm. Ảnh: Thế Hùng
Mặt khác, nhờ công tác kiểm soát dịch bệnh và chăm sóc được thực hiện hiệu quả, đàn lợn có sự phát triển với quy mô tổng đàn đạt hơn 516 nghìn con, tăng 3,63% so với cùng kỳ, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 68 nghìn tấn, tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2023, đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm cho địa phương.
Thực tế, giá lợn hơi tăng cao là điều đáng mừng cho các hộ chăn nuôi. Thế nhưng, khi được giá, phần lớn các hộ lại chưa có lợn đến tuổi xuất chuồng do vậy kéo theo những tác động đến nguồn cung thị trường; các hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn ồ ạt vì hiện giá lợn giống ở mức khá cao từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/con, chi phí đầu tư cho mỗi con lợn đến khi đạt trọng lượng xuất chuồng (khoảng 100kg) khá lớn (từ 4 - 5 triệu đồng) trong khi đó, rủi ro về dịch bệnh rất khó lường.
Theo dự báo của ngành chức năng, nguồn cung lợn trong cả nước sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, do nhiều loại dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, giá lợn hơi có thể duy trì ở mức cao và chỉ giảm vào năm 2025.
Để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, đồng thời đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã hướng dẫn người chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng chăn nuôi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh để tái đàn.
Đối với các hộ chăn nuôi, khi vào đàn hoặc tăng đàn lợn phải đảm bảo nguồn giống an toàn, sạch bệnh và chất lượng; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tăng khả năng miễn dịch; thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi đảm bảo an toàn đàn vật nuôi.
Lưu Nhung