Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2025 - 2026 là kỳ thi tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018.
Thí sinh ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) dự thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: ITN
Do đó, giáo viên, phụ huynh, học sinh mong mỏi các địa phương sớm “chốt” môn thi để thầy, trò yên tâm dạy và học.
Nên giữ ổn định như năm 2024
Nhiều địa phương đã công bố cấu trúc, đề minh họa thi vào lớp 10 năm học 2025 - 2026. TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam ghi nhận, việc này giúp giáo viên, học sinh có định hướng dạy - học, ôn tập trước kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT mới.
TS Nguyễn Tùng Lâm viện dẫn, mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố 7 môn thi có đề minh họa là: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Giáo dục công dân, Tin học. Theo đó, đề Ngữ văn và Toán thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Các môn còn lại có dạng trắc nghiệm, trong 60 phút.
Riêng đề môn Văn vẫn có hai phần Đọc hiểu và Viết, lần lượt 4 và 6 điểm. Đề minh họa Toán có 5 bài, gồm nội dung tư duy và lập luận (3 điểm), giải quyết vấn đề (4,5 điểm) và mô hình hóa (2,5 điểm). Với các môn trắc nghiệm, số lượng câu hỏi từ 22 đến 40. Mức điểm không chia đều cho từng câu, tương tự định hướng của Bộ GD&ĐT với đề thi tốt nghiệp THPT năm tới.
Các năm trước, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội được tổ chức với ba môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Đây cũng là tâm nguyện của nhiều học sinh lớp 9. Nguyễn Nhật Minh - Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) mong muốn sở GD&ĐT sớm công bố các môn thi vào lớp 10 để yên tâm học tập và có định hướng ôn thi tốt hơn. “Từ ngày sở GD&ĐT công bố đề thi minh họa, em và các bạn thấp thỏm, chỉ mong sở giữ ổn định phương án 3 môn thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ như năm 2024 và “chốt” phương án này càng sớm càng tốt”, Nhật Minh bộc bạch.
Trên các diễn đàn, hội nhóm phụ huynh có con học lớp 9, nhiều bình luận về chủ đề trên. Chị Nguyễn Phương Thảo ở TP Hải Dương (Hải Dương) nêu ý kiến, nội dung đề thi có thể theo định hướng của Chương trình GDPT 2018 nhưng số lượng môn thi nên giữ ổn định như năm 2024.
Việc thi 4 môn là không cần thiết, vì tạo áp lực thi cử cho thầy, trò. Do đó, các địa phương cần sớm “chốt” phương án, tốt nhất là sau khi kết thúc học kỳ I của năm học này và duy trì 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Năm 2025, học sinh lớp 9 thi tuyển lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ITN
Mong sớm chốt phương án
Để tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025 - 2026 và những năm học tiếp theo, đồng thời để phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đã ký Quyết định phê duyệt Phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên biệt từ năm học 2025 - 2026.
Theo đó, tuyển sinh vào lớp 10 theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện/hạnh kiểm và học tập/học lực trong 4 năm học ở cấp THCS của học sinh. Tỉnh Quảng Nam quyết định các môn thi gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh. Lịch thi dự kiến nửa đầu tháng 6 hằng năm (ngày thi cụ thể do sở GD&ĐT quy định, đảm bảo thời gian phù hợp với Kỳ thi tốt nghiệp THPT).
Điểm xét tuyển bằng tổng điểm thi ba môn, cộng điểm học bạ và điểm ưu tiên (nếu có), tổng là 40. Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 sẽ không quá 80% số học sinh tốt nghiệp THCS. Từ năm học tiếp theo, chỉ tiêu được tỉnh xác định trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Thí sinh Hải Dương dự thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: Sở GD&ĐT
Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng. Trong đó, nguyện vọng 1 bắt buộc vào một trường THPT cùng địa bàn cấp huyện với trường THCS nơi thí sinh theo học. Với nguyện vọng 2, thí sinh được đăng ký bất kỳ trường THPT trên địa bàn tỉnh. Những học sinh muốn thi vào trường chuyên, trường PTDTNT tỉnh sẽ có quy định riêng.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 của TP Hồ Chí Minh vẫn giữ ổn định với 3 môn thi gồm: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc sở GD&ĐT cho biết, dự kiến tháng 10, sở công bố đề thi minh họa từng môn. Mức độ phân hóa và đổi mới của đề thi ở từng môn thi sẽ có điều chỉnh, bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS. Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh dự kiến thay thế các môn thi chuyên: Lí, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lí bằng các môn thi chuyên Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí.
Kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 là kỳ tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Những năm trước, hầu hết địa phương tuyển sinh lớp 10 bằng thi tuyển ba môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Cô Phan Thị Yến Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) mong muốn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 giữ ổn định về số môn thi như năm 2024. Trong quá trình học, học sinh vẫn phải học đều các môn, hoàn thành bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ mới được đánh giá hoàn thành môn học. Vì vậy, việc thi môn thứ 4 không đánh giá được học lệch hay đều nhưng lại thêm áp lực cho học sinh.
Theo TS Đỗ Viết Tuân - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Quản lý Giáo dục), nếu thi vào lớp 10 với 4 môn gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tổ hợp thì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập vốn căng thẳng, nay sẽ nhiều áp lực hơn cho học sinh.
TS Đỗ Viết Tuân nhận định, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh vì tính cạnh tranh cao. Hằng năm, khoảng 60 - 62% học sinh có suất vào học các trường THPT công lập. Năm 2025, dự báo kỳ thi này còn “nóng” hơn vì học sinh lớp 9 sẽ thi theo Chương trình GDPT 2018.
Cẩm Giang (Theo giaoducthoidai.vn)