Nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của việc định hướng tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng chú trọng nâng cao hiệu quả công tác này. Qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; giáo dục truyền thống cách mạng, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trường THCS Thanh Lãng (Bình Xuyên) thường xuyên tổ chức giáo dục truyền thống khoa bảng, hiếu học cho học sinh tại nhà thờ danh nhân Nguyễn Duy Thì. Ảnh: Dương Hà
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng tư tưởng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Nội dung tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng thời kỳ, từng nhiệm vụ chính trị cụ thể...
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả điều tra, nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.
Kịp thời cung cấp thông tin thời sự, định hướng thông tin trước những vấn đề, vụ việc nổi cộm được dư luận và nhân dân quan tâm, giúp cấp ủy nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, từ đó, kịp thời đề ra giải pháp phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết về phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 20 “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 16 “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tỉnh”, Đề án số 14 “Về nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025”.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như đưa nội dung lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống vào tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi bộ cơ sở; làm tài liệu giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng đảng viên mới; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống gắn với các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh, của địa phương, đơn vị...
Các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống do các cấp, bộ, ngành Trung ương phát động đã được các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh tích cực triển khai, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia.
Công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được các cấp, ngành, địa phương thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Qua đó, nâng cao nhận thức, lòng tự hào về Đảng, về truyền thống lịch sử và những thành tựu của quê hương Vĩnh Phúc.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác lịch sử Đảng.
Phát huy tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo các cấp trong việc hướng dẫn, tham gia thẩm định lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của các cấp, ngành, địa phương trước khi in ấn, phát hành.
Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm đầu tư nguồn kinh phí, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, tôn tạo và bảo vệ các di tích lịch sử. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử gắn với giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trong chương trình giảng dạy của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố và hệ thống các trường phổ thông trên địa bàn đảm bảo phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng, lứa tuổi. Qua đó góp phần khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm, cổ vũ quyết tâm chính trị của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước...
Ngô Tuấn Anh