Hoạt động đầu tư công (ĐTC) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tạo đòn bẩy dẫn dắt, thu hút các nguồn vốn khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Do vậy, nhiệm vụ quản lý ĐTC luôn được tỉnh đặc biệt coi trọng và chỉ đạo sát sao các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định.
Dự án xây dựng Nhà điều trị nội trú và các hạng mục phụ trợ thuộc Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đã được HĐND tỉnh quyết nghị thông qua tại 9 nghị quyết là hơn 57.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn Ngân sách Trung ương hơn 3.200 tỷ đồng; còn lại là vốn ngân sách địa phương. Theo phân cấp, nguồn vốn do cấp tỉnh quản lý, phân bổ gần 39.000 tỷ đồng; còn lại là vốn phân về cho cấp huyện quản lý, phân bổ.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã giao kế hoạch vốn hằng năm để thực hiện dự án với tổng số vốn hơn 35.000 tỷ đồng cho các dự án thực hiện từ năm 2021-2024, đạt hơn 61% so với kế hoạch vốn trung hạn đã giao.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch ĐTC trung hạn và hằng năm đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công.
Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về đầu tư, đấu thầu và sử dụng nguồn vốn.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh huy động, cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển nói chung và ĐTC nói riêng cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng, đột xuất.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động ĐTC, qua đó tăng cường hiệu quả, chất lượng quản lý và sử dụng vốn ĐTC trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, thời gian qua, hoạt động ĐTC trên địa bàn đã khắc phục dần được tình trạng vốn chờ dự án, có vốn nhưng không có dự án để triển khai; giảm số vốn chuyển nguồn qua các năm; việc phân bổ vốn hằng năm được hoàn thành trước 31/12 năm trước.
Các dự án ĐTC được triển khai thực hiện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, sau khi hoàn thành đều mang lại hiệu quả đầu tư, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Để thực hiện đúng kế hoạch ĐTC trung hạn 2021-2025 đã giao thì từ nay đến hết năm 2025, nguồn ngân sách địa phương giao bổ sung từ ngân sách tỉnh (các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng nằm…) cần bố trí gần 11.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đã được giao vốn ĐTC trung hạn.
Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, thị trường bất động sản suy giảm, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng thấp, hai sản phẩm chủ lực là ô tô, xe máy giảm mạnh sản lượng… dẫn đến tổng thu ngân sách giảm so các năm trước.
Do vậy, dự kiến từ nay đến năm 2025, khả năng huy động các nguồn bổ sung từ ngân sách địa phương cấp tỉnh chỉ bổ sung được hơn 1.600 tỷ đồng, còn thiếu hơn 9.000 tỷ đồng so với tổng vốn ĐTC trung hạn đã nghị quyết và đã giao”.
Trước tình hình trên, để đảm bảo thực hiện kế hoạch vốn ĐTC đạt hiệu quả cao, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh tạm dừng việc phê duyệt, khởi công một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, dừng việc xem xét hỗ trợ vốn cho các cơ quan, đơn vị ngành dọc và các huyện/thành phố cho đến khi đảm bảo cân đối được nguồn vốn.
Trường hợp không cân đối đủ nguồn vốn theo kế hoạch ĐTC trung hạn đã giao, cần thiết phải điều chỉnh giảm tổng nguồn vốn kế hoạch ĐTC trung hạn, đồng thời cắt giảm một số công trình đã giao vốn trung hạn nhưng chưa khởi công để chuyển sang đầu tư giai đoạn sau 2025.
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTC, nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch đầu tư hằng năm đảm bảo sát với tình hình và khả năng thực hiện; linh hoạt trong điều chỉnh vốn ĐTC từ dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao.
Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng và quản lý có hiệu quả.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chú trọng ngay từ công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đến công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án, lựa chọn nhà thầu…; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định pháp luật.
Yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân đối với từng dự án theo tháng/quý; thường xuyên tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện từng công trình, dự án, bao gồm tiến độ thi công, năng lực nhà thầu, khối lượng nghiệm thu so với kế hoạch vốn đã được giao…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh