Thực hiện Nghị quyết số 143/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các cơ quan chức năng nhanh chóng rà soát thiệt hại và đề ra phương án khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, đồng thời đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nông dân xã Tân Phong (Bình Xuyên) thu hoạch lúa vụ Mùa, năng suất ước đạt 51,7 tạ/ha. Ảnh: Thế Hùng
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền... gây thiệt hại về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ước thiệt hại đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh khoảng 260 tỷ đồng.
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 143 của Chính phủ.
Rà soát những vùng, địa điểm tại địa phương có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để xây dựng phương án cụ thể và sẵn sàng phòng chống, tránh bị động, bất ngờ, lúng túng.
Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ của Trung ương ngay khi chính sách có hiệu lực để tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả.
Để khôi phục, thúc đẩy ngành chăn nuôi các địa phương phát triển sau bão số 3, Công ty cổ phần Việt Pháp, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề.
Ông Lê Quang Hân, Giám đốc kinh doanh công ty cho biết: Doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi với thương hiệu Voi Vàng, công suất thiết kế 300.000 tấn/năm.
Để khẳng định thương hiệu Voi Vàng, công ty không ngừng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 9000:2008.
Hiện, hơn 50 dòng sản phẩm dành cho gia súc, gia cầm của công ty đều là thức ăn hỗn hợp cao cấp dạng viên, với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi từ lúc mới sinh cho tới khi xuất chuồng. Trung bình mỗi tháng, công ty xuất bán ra thị trường hơn 10.000 tấn sản phẩm.
Đồng hành cùng nông dân khôi phục sản xuất, nhất là nông dân bị thiệt hại nặng ở thành phố Hải Phòng và các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, công ty đang thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đàn lợn từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/con lợn giống; từ 2.000 đồng - 3.000 đồng/con gà giống; từ 1.500 đồng - 2.500 đồng/con vịt giống.
Riêng tại Vĩnh Phúc, công ty tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi bão lũ khi tái đàn là 50.000 đồng/con lợn giống; từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/con gà giống và vịt giống.
Thực hiện Công văn số 5724/2024 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam về việc hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị ảnh hưởng bởi bão và mưa lũ sau bão đến hết ngày 31/12/2024.
Ngoài ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh chỉ đạo các Phòng giao dịch căn cứ nguồn vốn hiện có của các chương trình tín dụng để phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tập trung đẩy nhanh việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Công ty cổ phần Việt Pháp (Vĩnh Tường) có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị ảnh hưởng bão lũ khi tái đàn. Ảnh: Thế Hùng
Rà soát, hướng dẫn khách hàng bị thiệt hại thiết lập hồ sơ gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và đề nghị xử lý rủi ro theo quy định. Phối hợp đơn vị liên quan rà soát, thống kê nhu cầu vay vốn của người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão đề nghị NHCSXH Trung ương bổ sung nguồn vốn cho vay.
Để xử lý triệt để các nguy cơ gây mất an toàn đê điều, đảm bảo ổn định lâu dài, UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho tỉnh 545 tỷ đồng để kiên cố hóa các công trình phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn đê điều.
Các công trình gồm kè chống sạt lở toàn tuyến bờ tả sông Lô từ K0+000 đến K27+525 (trừ các đoạn đã được gia cố kè dài khoảng 12 km) với kinh phí đề nghị hỗ trợ 465 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp tuyến đê hữu sông Phó Đáy đoạn từ K0+000 đến K2+900 địa phận xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch với kinh phí 80 tỷ đồng.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát, đánh giá lại hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, đề xuất xử lý ngay đối với những sự cố, công trình, vị trí mất an toàn, nhất là các cống dưới đê trên tuyến đê tả Lô, hữu Phó Đáy, cống Cầu Triệu.
Hướng dẫn các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa đã chín với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, đồng thời khẩn trương làm đất, vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng để mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 94,2% diện tích, với năng suất ước đạt 51,7 tạ/ha. Trong đó, thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, các huyện Lập Thach, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo thu hoạch xong diện tích lúa vụ Mùa. Riêng vụ Đông 2024, tỉnh hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón mô hình sản xuất rau củ quả an toàn theo hướng VietGAP, quy mô 1.600 ha.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh đang dần ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, quyết tâm đảm bảo các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra trong năm 2024.
Mai Liên