Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, chính quyền huyện Lập Thạch chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các xã, thị trấn khẩn trương triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Người dân xã Sơn Đông (Lập Thạch) vệ sinh môi trường sau khi nước rút. Ảnh: Chu Kiều
Theo thông tin từ UBND huyện Lập Thạch, bão số 3 đã làm 2 người thiệt mạng; 1.024 ha lúa (1/3 tổng diện tích lúa trên địa bàn huyện), 701 ha rau màu bị ngập úng; hơn 11.100 con gia cầm bị thiệt hại; 25 nhà dân bị tốc mái; 840m2 các công trình trường học bị hư hại; 103 nhà dân có nguy cơ sụp đổ sau bão; hơn 6.100 cây xanh bị gãy đổ; gần 2.400m tường rào bị đổ; nhiều cột điện, công trình công cộng, chuồng trại chăn nuôi bị hư hại…
Mực nước tại sông Lô dâng cao đã khiến 16 thôn dân cư bị ngập sâu trong nước, trong đó, xã Sơn Đông bị ảnh hưởng nặng nhất với 10 thôn bị ngập úng, 5 thôn tại xã Triệu Đề và 1 thôn thuộc xã Đồng Ích bị ngập úng cục bộ. Ước tổng thiệt hại về cơ sở vật chất hơn 50 tỷ đồng.
UBND huyện Lập Thạch đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão.
UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức ứng phó ảnh hưởng của hoàn lưu bão, thực hiện nghiêm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, chủ động khắc phục tạm thời các vị trí xung yếu, ngăn sạt lở đất, nước lũ vào khu vực dân sinh, đồng ruộng.
Khẩn trương sơ tán người dân tại các vị trí nước lũ lên cao, các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; dọn dẹp cây đổ, biển quảng cáo, các công trình bị sập, hư hỏng.
Huy động lực lượng Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các lực lượng an ninh cơ sở cùng với nhân dân ứng cứu, di dời tài sản, tổ chức thu hoạch, cứu lúa bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng.
Chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các tuyến giao thông, khắc phục nhanh các tuyến giao thông có cây gãy đổ, đảm bảo giao thông thông suốt; các xã, thị trấn phối hợp với Điện lực Lập Thạch xử lý các vị trí cột điện bị gãy đổ, sớm khôi phục cấp điện cho người dân.
Chỉ đạo Phòng GD&ĐT kiểm tra công tác đảm bảo an toàn trước khi học sinh đến trường. Sau khi công tác đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh đến trường được chuẩn bị đầy đủ, huyện đã đồng ý cho học sinh các trường khu vực bị thiệt hại do bão đi học trở lại vào ngày 16/9.
Sau bão số 3, trên địa bàn huyện Lập Thạch đã xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng về thủy lợi là bục cánh cống tiêu cầu Triệu, thuộc địa phận xã Triệu Đề, khiến nước sông Phó Đáy chảy ngược vào trong đê và sự cố sạt lở, sụt lún dẫn đến nguy cơ đổ sập cống Đè Cả, xã Đồng Ích.
Ngay khi sự cố xảy ra, huyện Lập Thạch đã kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng phối hợp với địa phương xử lý sự cố kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, các sự cố cơ bản đã được khắc phục, các đơn vị chuyên môn bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt diễn biến sự cố để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân các vùng bị ảnh hưởng nặng do bão được Ủy ban MTTQ huyện, các tổ chức chính trị - xã hội cùng nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả.
Theo thống kê sơ bộ của huyện Lập Thạch, đã có hơn 1.500 áo phao, 300 phao bơi, hơn 2.800 đèn pin, 9 chiếc thuyền, 7.800 thùng nước sạch, hơn 3.000 thùng mì tôm, 300kg gạo, gần 1.900 hộp sữa, hơn 4.000 suất ăn… và một số nhu yếu phẩm, thuốc y tế cần thiết được gửi đến hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường sau mưa lũ, các xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng người dân thực hiện vệ sinh môi trường theo phương châm "nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó"; khẩn trương thu dọn, xử lý cây xanh bị gãy đổ trên các trục đường chính, đảm bảo an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong bão lụt và mưa lũ của Bộ Y tế.
Triển khai các biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tổ chức thu gom, xử lý xác động vật, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ…
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, huyện Lập Thạch chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thời gian tới tiếp tục kiểm tra, rà soát các trọng điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở và các điểm mới phát sinh trên địa bàn quản lý, kịp thời cắm biển cảnh báo, triển khai biện pháp khắc phục.
Kiểm tra hệ thống các công trình giao thông, điện, thủy lợi sau mưa bão, có kế hoạch duy tu, sửa chữa sớm nhất; tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó với thiên tai; khẩn trương bổ sung thêm vật tư thiết yếu phục vụ công tác PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục thu hoạch diện tích lúa đã chín, khắc phục khó khăn, đảm bảo duy trì sản xuất, thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Hoàng Sơn