Do ảnh hưởng của mưa bão, khu vực đê tả sông Lô, thuộc địa phận xã Đức Bác (Sông Lô) xảy ra nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến công trình đê điều, bãi sông, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi và cuộc sống của các hộ dân trong khu vực. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, trước mắt cần có giải pháp cấp bách xử lý sạt lở, về lâu dài cần đầu tư công trình kè chống sạt lở đê tả sông Lô.
Dòng chảy sông Lô xoáy mạnh vào bờ, tạo thành các hố sâu trên đê tả sông Lô, đoạn qua địa phận xã Đức Bác.
Do có mặt cắt hẹp, hiện trạng mái bờ sông dốc tại nhiều vị trí, dòng chủ lưu áp sát bờ, khu vực đê tả sông Lô thuộc địa phận xã Đức Bác xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng.
Từ năm 2021 đến nay, phạm vi sạt lở đã lan rộng với chiều dài khoảng 700m, ăn sâu về phía chân đê từ 20-30m, diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở khoảng 2ha.
Mùa mưa bão năm 2024, cùng với việc xả lũ của các hồ thủy điện tác động đến dòng chảy sông Lô, hiện tượng sạt lở đê tả sông Lô đoạn qua địa bàn xã Đức Bác tiếp tục lan rộng, khó kiểm soát, đặc biệt tại khu vực thôn Khoái Trung và Khoái Thượng.
Chứng kiến tình trạng sạt lở đê tả sông Lô trong vài năm trở lại đây, ông Lê Khắc Nghiệp, thôn Khoái Thượng cho biết: “Chỉ trong 3 năm, gia đình tôi đã mất gần 40m2 đất nông nghiệp do sạt lở bờ sông. Nếu không có biện pháp gia cố, xây kè, cung trượt, sạt lở sẽ nhanh chóng ăn vào sát các công trình nhà ở, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của các hộ dân khu vực ven sông”.
Thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Đức Bác tuyên truyền, cảnh báo người dân không lại gần khu vực sạt lở.
Quan sát thực tế cho thấy, địa chất bờ sông chủ yếu là đất pha cát, dòng chảy nhiều đoạn xoáy mạnh vào bờ, tạo thành các hố sâu, diện tích canh tác nông nghiệp ven sông nhiều đoạn phải bỏ, thay vào đó là những biển cảnh báo nguy hiểm, dễ xảy ra đuối nước.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Sông Lô đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở để có phương án xử lý.
Sau khi kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở, các sở, ngành, địa phương liên quan đã thống nhất về sự cần thiết đầu tư tuyến kè để bảo vệ đất nông nghiệp và tuyến đê tả sông Lô. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên chưa bố trí được kinh phí để thực hiện.
Chủ tịch UBND xã Đức Bác Lê Văn Lanh cho biết: “Trong khi chờ bố trí được kinh phí để xử lý sạt lở, UBND huyện Sông Lô chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Đức Bác phối hợp với Hạt Quản lý đê Sông Lô - Lập Thạch cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn người dân, phương tiện vào khu vực sạt lở, tổ chức phát quang, cắm cọc tiêu, mốc giới để quan trắc diễn biến sạt lở.
Chủ động di dời dân cư, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi cần thiết; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về tình hình sự cố đến toàn thể nhân dân sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động xử lý khi diễn biến sạt lở lan rộng, uy hiếp đến tính mạng của nhân dân và an toàn đê điều”.
Năm 2024, UBND xã Đức Bác đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã, huy động hơn 200 người tham gia công tác PCTT&TKCN tại địa phương; chuẩn bị cơ sở vật chất, hợp đồng cung cấp lương thực, vật tư y tế… phục vụ công tác ứng phó thiên tai với tổng kinh phí dự trù hơn 236 triệu đồng.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để xử lý các sự cố công trình đê điều trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 465 tỷ đồng; trong đó, dự án xây dựng tuyến kè chống sạt lở đê tả sông Lô, đoạn qua địa phận xã Đức Bác là một trong các hạng mục dự án được đề nghị xem xét hỗ trợ đầu tư.
Trước tình trạng sạt lở đê tả sông Lô, đoạn qua địa phận xã Đức Bác diễn biến phức tạp, khó lường, các biện pháp khắc phục tạm thời chưa đảm bảo an toàn, việc đầu tư xây dựng kè chống sạt lở là rất cần thiết và cấp bách. Do đó, các cấp, ngành cần quan tâm, kịp thời triển khai trong thời gian tới, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn