Những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc và lời căn dặn của Bác Hồ luôn vang vọng, khắc sâu trong trái tim mỗi người dân Vĩnh Phúc, là ngọn hải đăng dẫn lối, soi đường, là động lực thúc đẩy cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu có, phồn vinh.
Sinh thời, dù bận rộn rất nhiều công việc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, song Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, dành nhiều thời gian đi thăm hỏi nhân dân, cán bộ, công nhân, chiến sĩ khắp các vùng miền.
Khu tưởng niệm Bác Hồ tại tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên) là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Trà Hương
Vĩnh Phúc vinh dự 8 lần được đón Bác về thăm: Ngày 19/5/1955, Bác lên thăm công trường xây dựng khu nghỉ mát Tam Đảo; ngày 12/2/1956 (tức ngày mồng 1 Tết Bính Thân), Bác thăm và chúc Tết nhân dân thôn Yên Định, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên; ngày 30/3/1958, Bác về thăm cán bộ và xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên); ngày 24/12/1958, Bác thăm thị xã Phúc Yên; ngày 25/1/1961 Bác thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường nơi có thành tích tiêu biểu trong phong trào trồng cây; ngày 2/3/1963, Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh vì có thành tích xuất sắc chống hạn bảo đảm thắng lợi vụ sản xuất đông xuân năm 1963; ngày 16/7/1963, Bác về nói chuyện với Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ tỉnh; ngày 27/7/1968, Bác có chuyến công tác lên Tam Đảo.
Ngoài những lần được Bác trực tiếp về thăm và ân cần chỉ bảo, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc còn được Người nhiều lần gửi thư khen ngợi hoặc biểu dương trên báo chí mỗi khi tỉnh đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu như thư gửi các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đồng bào tỉnh Phúc Yên (cũ) có thành tích tham gia kháng chiến kiến quốc, ngày 16/7/1947; thư khen ngợi Hợp tác xã thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường đạt năng suất lúa cao, ngày 2/3/1966...
Mỗi địa danh, mỗi miền quê nơi Người đặt chân đều lưu dấu những kỷ niệm không bao giờ quên; những tình cảm yêu thương, sự quan tâm sâu sắc, lời căn dặn ân cần Người dành cho là những tài sản, những giá trị tinh thần vô giá luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc qua các thế hệ khắc ghi, trân trọng, gìn giữ.
Đặc biệt, lần Bác về thăm ngày 2/3/1963, trong cuộc mít tinh trọng thể với sự tham gia của gần 2 vạn đồng bào, Bác đã căn dặn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”, và “Mỗi đảng viên đều phải gương mẫu, người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu, làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng nước nhà".
Trọn cuộc đời vì nước vì dân, trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Đây là văn kiện vô giá, là “kim chỉ nam” cho dân tộc Việt Nam trên con đường đi tới thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
61 năm thực hiện lời căn dặn của Bác khi về thăm Vĩnh Phúc và 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã trở thành một địa phương có cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt hơn 31.200 tỷ đồng, thu nội địa nằm trong 8 địa phương cao nhất cả nước.
6 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 15.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; nhiều tuyến đường quan trọng của tỉnh được xây dựng và nâng cấp, tạo được sự kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia.
Diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc với 100% xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đang tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn NTM theo quy định giai đoạn 2021 - 2025; 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 2 huyện (Yên Lạc, Bình Xuyên) được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc ngày càng đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Trà Hương
Với quan điểm “Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao thu nhập, phúc lợi, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Các chỉ số về thu nhập, đời sống người dân của Vĩnh Phúc năm 2023 đều nằm trong top 10 tỉnh, thành có chỉ số tốt nhất cả nước; chất lượng GDĐT tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với 2 năm liên tiếp đứng thứ Nhất toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (năm 2023 và năm 2024); công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,61%...
Khắc ghi lời Bác Hồ dạy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tạo bước đột phá và sức bật mới để xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di nguyện của Người.
Lê Mơ