Tam Đảo là huyện miền núi có địa hình phức tạp, vào mùa mưa bão thường bị ngập úng và lũ quét, sạt lở đất, nhất là vùng ven chân núi Tam Đảo và hạ lưu của các hồ chứa nước lớn. Vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của huyện.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo thường xuyên theo dõi mực nước tại các hồ chứa, kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai trên địa bàn huyện Tam Đảo. Ảnh: Chu Kiều
Huyện Tam Đảo có 4/9 xã, thị trấn nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét gồm Yên Dương, Đạo Trù, Minh Quang, Đại Đình. Trên địa bàn có 22 luồng tiêu liên huyện, liên xã do UBND tỉnh quản lý; 25 hồ đập nhỏ, 5 trạm bơm do UBND huyện quản lý và 17 vai đập với hơn 360km kênh mương nội đồng.
Đặc biệt, trên địa bàn có 5 hồ chứa nước lớn gồm hồ Xạ Hương (công trình cấp I); hồ Đồng Mỏ (công trình cấp II); và 3 hồ công trình cấp III gồm hồ Vĩnh Thành, Làng Hà, Bản Long do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo quản lý cùng hàng chục đập tràn, kênh tiêu do các xã, thị trấn quản lý.
Những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước và huy động từ các nguồn hợp pháp, hệ thống kênh mương, các hồ chứa, vai đập, kênh mương nội đồng đã được cải tạo, nâng cấp, nhất là các công trình đầu mối, tràn xả lũ; riêng các tràn được nâng cấp kiên cố hóa bê tông những đoạn xung yếu. Tuy nhiên, do đập tràn vẫn chưa đáp ứng tiêu thoát nước, khi có mưa lũ lớn thường xảy ra ngập lụt cản trở giao thông, thậm chí gây tai nạn cho người tham gia giao thông.
Để chủ động ứng phó với mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân khi mưa lũ xảy ra, ngay từ đầu năm, UBND huyện Tam Đảo đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống hồ, đập do địa phương quản lý, nhất là các địa phương có đập tràn.
Huyện Tam Đảo cắt cử nhân lực, sẵn sàng ứng trực tại các ngầm tràn, đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh: Chu Kiều
Phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo lập kế hoạch sửa chữa, thay thế, xây dựng mới các kè, gia cố bề mặt hồ đập; bảo dưỡng các thiết bị trạm bơm, khơi thông luồng lạch, cửa khẩu. Quá trình kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng sạt lở, rãnh xói đọng nước bề mặt gây nguy hiểm cho giao thông.
Với phương châm "4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đến nay, mỗi xã trên địa bàn huyện đã thành lập lực lượng xung kích tại chỗ (100-150 người), thường xuyên có mặt tại địa phương để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra tình huống thiên tai khẩn cấp ngay từ những giờ đầu.
Đồng thời, mỗi xã chuẩn bị sẵn một bãi đất dự trữ gần đường giao thông từ 120m3 trở lên; 130m3 đá hộc; 2-5 xe vận tải; 2.500 - 3.000 bao tải; gần 100 cây tre; phao cứu hộ, cuốc, xẻng, trống, kẻng báo hiệu. Ngoài ra, mỗi hộ dân chuẩn bị ít nhất 2 bao tải cùng cuốc, xẻng, đầm vồ, quang gánh, thuyền tôn, xe vận chuyển thô sơ… sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh.
Đối với các điểm xung yếu tại 3 địa phương (xã Minh Quang, Yên Dương và thị trấn Đại Đình), tổ chức kiểm tra theo dõi thường xuyên, tập kết vật tư tại chỗ, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để xử lý các tình huống lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn, mưa kéo dài ngày, gây nguy cơ đổ sập nhà cửa và đe dọa tính mạng của nhân dân.
Đồng thời chuẩn bị phương án sơ tán người dân đến các xã lân cận theo địa chỉ đã được khảo sát từ đầu mùa mưa bão. Các cơ quan, đơn vị, ngành, đoàn thể của huyện đều được giao chỉ tiêu cụ thể về nhân lực, vật tư, kinh phí và đã thực hiện đầy đủ.
Bên cạnh đó, huyện chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo rà soát, quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, nhất là 5 hồ lớn trên địa bàn gồm hồ Xạ Hương, Đồng Mỏ, Vĩnh Thành, Làng Hà, Bản Long cùng các hồ chứa nhỏ; đập ngang suối, kênh tưới, kênh tiêu và có kế hoạch gia cố, sữa chữa, bảo vệ đảm bảo an toàn trước khi có mưa lũ lớn kéo dài xảy ra.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đảo Chu Văn Sáu cho biết: “Để công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã phân công các thành viên phụ trách từng địa bàn cụ thể, những ngày cao điểm trực 24/24h.
Khi mưa bão xảy ra, cập nhật tình hình thường xuyên, báo cáo kịp thời để UBND huyện chủ động huy động các phương tiện, vật tư theo phương châm "4 tại chỗ, 5 sẵn sàng"; kịp thời ứng phó với sự cố.
Xuân Hùng