Với 10 chương, 86 điều, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (Luật Tài nguyên nước 2023) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 bổ sung nhiều quy định, chính sách mới quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.
Các sở, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra mực nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Lượng
Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước năm 2023, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ nước Việt Nam.
Luật Tài nguyên nước đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước với nhiều điểm mới như khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; có những chính sách ưu đãi với dự án cấp nước cho vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm như lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, khai thác trái phép bùn, đất và các loại khoáng sản khác hay phá hoại các công trình điều tiết, trữ nước, làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.
Đồng thời quy định về phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh; quy định về việc bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất.
Bổ sung thêm các trường hợp tổ chức, cá nhân được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước. Đặc biệt, Khoản 4, Điều 52, quy định hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho mục đích sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai.
Vĩnh Phúc có 4 sông lớn liên tỉnh chảy qua gồm sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ; 9 lưu vực sông, suối nội tỉnh với chiều dài từ 10 km trở lên, cùng với đó là hệ thống các hồ chứa nước lớn và nguồn nước dưới đất đem lại tiềm năng tài nguyên nước trên địa bàn với trữ lượng 140 tỷ m3/năm.
Những năm qua, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương. Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 24 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 211 kiểm kê tài nguyên nước đối với nguồn nước mặt nội tỉnh trên địa bàn đến năm 2025; phê duyệt 18 hồ sơ về tài nguyên nước.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 17 đơn vị; 91/874 ao, hồ, đầm tại 9 huyện, thành phố về việc thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; công tác quản lý, sử dụng, bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn.
Đồng thời thực hiện điều tra, đánh giá, xác định và công bố giá trị dòng chảy tối thiểu trên hệ thống sông, suối nội tỉnh. Điều tra, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc đầu tư trang thiết bị hiện đại, cung cấp đầy đủ, kịp thời nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đến nay, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện, toàn tỉnh có 33 công trình khai thác nước mặt với tổng lưu lượng khai thác gần 15 triệu m3/ngày, đêm và 82 công trình khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác trên 116 nghìn m3/ngày, đêm dùng cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt.
Để Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước cho hiện tại và tương lai, ngày 10/7/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 164 triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023 trên địa bàn.
Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị cung cấp thông tin, cập nhật dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; xây dựng kế hoạch, thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn; tổ chức rà soát chức năng nguồn nước trong quy hoạch tỉnh.
Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 1/1/2013 thuộc phạm vi quản lý mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023...
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu với xu hướng tăng nhiệt độ đã làm gia tăng lượng bốc hơi, hạ thấp mực nước ngầm, giảm trữ lượng nước ngầm và nước mặt, gia tăng thiên tai, thậm chí tại một số nơi trên địa bàn nước dưới đất có dấu hiệu bị suy thoái, cạn kiệt do khai thác quá mức.
Với nhiều nội dung đột phá, Luật Tài nguyên nước năm 2023 sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả, khoa học và bền vững.
Hồng Tính