Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đang trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá “doanh nghiệp xanh”. Vì thế, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là mục tiêu chung mà các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang phấn đấu thực hiện để giảm giá thành sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh, đồng thời thể hiện trách nhiệm của DN đối với việc bảo vệ môi trường.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, Công ty TNHH Vtech Co, xã Duy Phiên (Tam Dương) đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Thế Hùng
Để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm lượng phát thải CO2, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa vào quá trình sản xuất; mạnh dạn đầu tư, thay thế các thiết bị, công nghệ lạc hậu, tốn nhiều điện năng bằng các thiết bị hiện đại và tiêu thụ ít điện năng hơn...
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Khuyến công địa phương cộng với phần vốn đối ứng của đơn vị, tháng 9/2023, Công ty TNHH Vtech Co ở thôn Diên Lâm, xã Duy Phiên (Tam Dương) triển khai thành công đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí”. Công ty đã đầu tư mua mới 1 máy cắt laser fiber, vận hành tự động thông qua phần mềm trên máy tính. Đây là loại máy cắt hiện đại, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại máy cắt khác và đang được tin dùng trong lĩnh vực gia công kim loại, cơ khí.
Anh Lê Quốc Khánh, Giám đốc công ty cho biết: “Máy cắt laser fiber có hiệu suất chuyển đổi quang điện và bộ nguồn có tuổi thọ lên đến 100.000 giờ, cao hơn nhiều so với máy cắt laser CO2, giúp tiết kiệm điện năng và giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng.
Với tốc độ cắt nhanh, độ chính xác cao, máy cắt laser fiber có thể cắt được các chi tiết phức tạp với độ sai lệch rất thấp. Bên cạnh đó, máy sử dụng chùm tia laser kín, không tạo ra tia lửa điện hay khói bụi, không thải ra khí độc hại nên độ an toàn cao hơn so với các loại máy cắt khác, góp phần bảo vệ môi trường”.
Cùng với việc tích cực ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất, Công ty chủ động tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người lao động sử dụng tiết kiệm điện năng trong quá trình vận hành máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
Để tiết giảm tối đa chi phí điện năng, công ty thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng bóng đèn led, lắp đặt hệ thống quạt thông gió linh hoạt, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại thay thế những máy móc cũ và hao tổn điện năng.
Qua đó giúp công ty nâng cao năng suất, gia tăng sức cạnh tranh cho các dòng sản phẩm như tủ bếp, tủ rượu, tủ giày bằng chất liệu inox kết hợp cánh kính; tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Là 1 trong 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai hiệu quả đề án nhóm “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí” tại mô hình thí điểm “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu” thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường), tháng 12/2023, anh Nguyễn Cao Phong được hỗ trợ 146 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, đầu tư mua mới 1 bộ lò nung cao tần WZP 100, 1 máy khắc laser fiber và 1 máy hàn hồ quang kim loại. Tổng kinh phí của đề án là 301 triệu đồng.
Với việc đưa vào sử dụng hệ thống lò nung điện thay thế cho công nghệ nung truyền thống bằng nhiên liệu than, dựa trên nguyên lý điện trở để biến điện năng thành nhiệt năng; hiệu suất nhiệt đạt từ 95% trở lên; thời gian gia nhiệt, nung nóng nhanh, chỉ khoảng vài giây trong điều kiện cường độ làm việc cao, an toàn với người sử dụng... giúp cơ sở tiết kiệm chi phí mua nhiên liệu đầu vào.
Đặc biệt, sử dụng hệ thống lò điện không gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, góp phần bảo vệ môi trường sản xuất của làng nghề rèn Bàn Mạch. Từ đó nâng cao năng suất lao động cho cơ sở: Sản lượng trung bình đạt 8.000 - 9.000 sản phẩm/tháng (tăng từ 1.000 - 2.000 sản phẩm so với trước); doanh thu tăng từ 150 triệu đồng/tháng lên 200 triệu đồng/tháng; tạo việc làm cho 6 - 8 lao động với mức thu nhập bình quân từ 9 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh, thông qua áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường, các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng trong quá trình sản xuất. Qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời giảm các tác động tiêu cực đối với môi trường.
Việt Sơn