Những ngày tháng 7, miền Bắc ở thời kỳ cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao kéo theo phụ tải điện tăng. Đồng hành cùng ngành Điện, các doanh nghiệp sử dụng điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, nhất là thực hiện điều chỉnh phụ tải điện (DR) nhằm giảm điện năng tiêu thụ, góp phần giảm quá tải cho hệ thống lưới điện trong giờ cao điểm.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ốp lát, tiêu thụ điện năng lớn, Công ty cổ phần Prime Đại Việt (Vĩnh Yên) đã ký thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, góp phần giảm tải cho hệ thống lưới điện vào thời gian cao điểm.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chuyên sản xuất gạch ốp lát nên Công ty cổ phần Prime Đại Việt, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng điện lớn hằng tháng.
Nhận thức rõ vai trò của việc tiết kiệm điện, đồng hành, chia sẻ với ngành Điện trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả, thời gian qua, công ty đã áp dụng đồng bộ các giải pháp giúp giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ hằng tháng, song vẫn đảm bảo năng suất, lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm điện của tỉnh và Chính phủ.
Anh Phạm Chí Chung, Trưởng Phòng Dịch vụ, Công ty cổ phần Prime Đại Việt, khu công nghiệp Khai Quang cho biết: Chi phí cho sử dụng điện hằng tháng chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất của doanh nghiệp hiện nay.
Chính vì vậy, để tiết kiệm chi phí, cùng với thúc đẩy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu tốn điện năng bằng những thiết bị mới, hiện đại, có khả năng tiết kiệm điện như thay động cơ hộp giảm tốc có hiệu suất thấp bằng hiệu suất cao tại bộ phận in tráng men giúp giảm từ 35 - 40% lượng điện năng tiêu thụ; tận dụng tối đa ánh sáng và không khí tự nhiên để giảm lượng điện chiếu sáng và làm mát, doanh nghiệp đã ký chương trình DR với Công ty Điện lực Vĩnh Phúc.
Cụ thể, thực hiện điều chỉnh quy trình sản xuất hợp lý để hạn chế dùng điện giờ cao điểm trong các khung giờ từ 12-15h và 21-24h, chuyển dây chuyền sản xuất sang các giờ thấp điểm; giảm tối đa dùng cùng lúc nhiều thiết bị có công suất lớn để góp phần cùng ngành Điện giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm điện luân phiên.
Là tỉnh có cơ cấu phụ tải sử dụng điện trong sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tới 65% sản lượng điện tiêu thụ, mức tăng trưởng phụ tải nhanh qua các năm, để đảm bảo vừa sản xuất, vừa tiết kiệm điện trong các khung giờ cao điểm, cung ứng điện liên tục và an toàn, ổn định trong cao điểm nắng nóng năm 2024, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường tiết kiệm điện và đảm bảo cung ứng điện trong thời gian cao điểm
Đồng thời yêu cầu các đơn vị cung ứng điện trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý kỹ thuật vận hành, đầu tư xây dựng, dịch chuyển kế hoạch sản xuất, điều chỉnh phụ tải và huy động máy phát điện diesel của khách hàng trong trường hợp thiếu nguồn điện.
Ngay từ đầu năm 2024, bên cạnh việc tăng cường hướng dẫn đến khách hàng các kênh tra cứu sản lượng điện tiêu thụ để có kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã tổ chức vận động, ký kết được với 137 doanh nghiệp có sản lượng từ 1 triệu kWh/năm đồng ý tham gia chương trình DR với công suất dịch chuyển dự kiến là 37,8 MW.
Có thể kể đến các doanh nghiệp trọng điểm như Công ty cổ phần Tập đoàn Sản xuất thép Việt Đức, Công ty cổ phần Prime Tiền Phong, Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long...
Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất; không sản xuất vào khung giờ cao điểm mà chỉ sử dụng điện cho mục đích chiếu sáng, sinh hoạt bên trong nhà máy và điện để duy trì vận hành các lò trong chế độ chờ bắt buộc phải duy trì điện 24/24h trong các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần thuộc các tháng 5, 6, 7 khi Công ty Điện lực Vĩnh Phúc phải thực hiện khống chế công suất đỉnh theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc hoặc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; tăng ca sản xuất vào các khung giờ thấp điểm hoặc ngày chủ nhật để giảm công suất đỉnh hệ thống.
Đồng thời phối hợp tích cực với Sở Công thương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh.
Sự chung tay, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí điện, giảm tải áp lực cho hệ thống lưới điện trong cao điểm nắng nóng mà còn góp phần đảm bảo ổn định sinh hoạt của người dân và thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025.
Bài, ảnh: Hồng Nhật